Trận động đất 7,7 độ richter ở Myanmar: Vì sao mạnh đến vậy?
Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra tại miền Trung Myanmar vào trưa 28.3, khiến nhiều khu vực nước này và cả các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan rung chuyển.
Đây được đánh giá là một trong những trận động đất mạnh nhất trong khu vực nhiều năm qua, với nguyên nhân bắt nguồn từ hoạt động kiến tạo phức tạp ở vùng Đông Nam Á.

Một tòa nhà bị sập ở Mandalay - thành phố lớn thứ 2 tại Myanmar hôm 28.3, trong trận động đất mạnh 7,7 độ richter làm chết nhiều người - Ảnh: Getty
Trận động đất mạnh và nông
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra có độ sâu chỉ khoảng 10km - được xếp vào loại "nông", tức nằm gần bề mặt Trái đất.
Trận động đất chính nhanh chóng kéo theo một dư chấn mạnh 6,7 độ richter chỉ 12 phút sau và chín trận động đất nhỏ hơn cùng ngày, có cường độ từ 4,4 đến 4,9 độ richter.
Tác động của trận động đất không chỉ dừng lại ở Myanmar. Tại Bangkok (Thái Lan), nơi cách xa tâm chấn hàng trăm cây số, một tòa nhà 33 tầng đang xây dựng đã đổ sập, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Cơ quan chức năng Thái Lan cho biết tổng cộng 16 người bị thương và 101 người mất tích. Đài truyền hình Myanmar MRTV ngày 29.3 tiết lộ số người chết trong trận động đất ở nước này đã lên đến hơn 1.000 người.
Myanmar nằm trong một khu vực có hoạt động địa chất phức tạp, được biết đến với nhiều trận động đất lớn trong lịch sử. Lý do chính là nước này nằm ngay trên đứt gãy Sagaing, một hệ thống đứt gãy lớn chạy dọc theo trục bắc - nam, kéo dài gần 1.600km từ phía bắc Myanmar đến biển Andaman.
Trận động đất lần này xảy ra chính tại đứt gãy Sagaing. Đây là loại đứt gãy "trượt ngang", nơi hai khối đất trượt ngang qua nhau, tương tự như đứt gãy San Andreas nổi tiếng ở California, Mỹ. Khi hai khối kiến tạo này trượt qua nhau, năng lượng bị tích tụ lâu ngày sẽ được giải phóng đột ngột, gây ra động đất mạnh.
“Myanmar nằm ở rìa phía nam của vùng va chạm giữa mảng Ấn Độ và mảng Á - Âu. Trong hơn 100 triệu năm qua, mảng Ấn Độ đã dịch chuyển về phía bắc. Khoảng 40 triệu năm trước, nó va chạm với mảng Á - Âu và vẫn tiếp tục dồn ép đến ngày nay”, Giáo sư Ben van der Pluijm, chuyên gia địa chất tại Đại học Michigan (Mỹ) giải thích với Live Science.
Chính sự chuyển động liên tục đó là nguyên nhân dẫn đến các trận động đất lớn tại Myanmar và khu vực xung quanh dãy Himalaya. Các vùng tiếp giáp giữa các mảng kiến tạo là nơi tích tụ rất nhiều năng lượng địa chất, và khi giải phóng, chúng có thể gây ra những trận địa chấn mạnh mẽ.
Độ nông khiến thiệt hại nặng hơn
Một yếu tố khiến trận động đất ngày 28.3 gây thiệt hại lớn là độ sâu nông. Jeffrey Park, Giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết các trận động đất nông thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì năng lượng được truyền đến bề mặt nhanh hơn và mạnh hơn.
“Trận động đất này có thể so sánh với trận động đất 7,8 và 7,5 độ richter từng tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Chúng tôi có thể sẽ chứng kiến những báo cáo thiệt hại tương tự”, ông nói.
Ngoài ra, khu vực xảy ra động đất là nơi đông dân cư với nhiều công trình không được thiết kế để chịu địa chấn mạnh, góp phần làm tăng thương vong và thiệt hại vật chất.
Những dấu hiệu địa chấn trong quá khứ
Theo USGS, khu vực này từng ghi nhận ít nhất 6 trận động đất có cường độ từ 7 độ richter trở lên trong phạm vi khoảng 250km từ tâm chấn hiện tại, kể từ năm 1900. Trong đó, đáng chú ý có trận động đất 7 độ richter năm 1990 khiến hàng chục tòa nhà sụp đổ, và một trận 7,9 độ richter năm 1912 gây ảnh hưởng lớn ở phía nam khu vực hiện tại.
Việc Myanmar tiếp tục hứng chịu một trận động đất mạnh như vậy không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia, nhưng vẫn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về sự an toàn của hàng triệu người sống trong khu vực dễ tổn thương này.
Giáo sư van der Pluijm cho biết, với trận động đất có cường độ mạnh như vậy, rất có thể mặt đất đã dịch chuyển theo chiều ngang từ một đến vài mét - đủ để tạo ra các vết nứt lớn và làm biến dạng địa hình khu vực.
“Đây là một trong những trận động đất lớn nhất mà chúng tôi từng ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á trong thập niên qua”, ông nhấn mạnh.
Mặc dù Myanmar thường xuyên xảy ra động đất, không phải trận nào cũng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn như trận lần này. Đặc biệt, tác động lan rộng tới cả các nước lân cận càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Cảnh báo và phòng ngừa trong tương lai
Các chuyên gia đồng thuận rằng việc chuẩn bị ứng phó với các trận động đất lớn là vô cùng cần thiết đối với những khu vực như Myanmar, nơi hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Khả năng cảnh báo sớm, xây dựng tiêu chuẩn an toàn địa chấn cho nhà cửa và công trình, cũng như đào tạo cộng đồng về cách phản ứng khi động đất xảy ra là các biện pháp cần được đẩy mạnh.
“Dù không thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro bằng chuẩn bị kỹ càng hơn”, Giáo sư Park nói thêm.
Trận động đất ngày 28.3 là lời nhắc nhở rõ ràng về sức mạnh tiềm ẩn từ bên dưới bề mặt Trái đất. Hoạt động kiến tạo - dù chậm và kéo dài hàng triệu năm - có thể tạo ra những biến cố bất ngờ với hậu quả nghiêm trọng chỉ trong vài giây.
Myanmar và các nước láng giềng đang nỗ lực cứu hộ, khắc phục hậu quả và đánh giá thiệt hại. Nhưng về lâu dài, thảm họa này có thể thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn tới nghiên cứu địa chấn và đầu tư vào năng lực phòng chống thiên tai trong khu vực.