Trận đánh cuối cùng của tôi
Tháng 4-1975 đến nay đã tròn 50 năm. Từ chiến thắng giải phóng thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 chúng tôi đã đi tiếp trọn vẹn tháng 4 lịch sử ấy cùng dân tộc cho đến ngày chiến thắng cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sáng 1-4, Sư đoàn 320A được lệnh tiến công thị xã Tuy Hòa (Phú Yên). Trung đoàn 9 đánh hướng Nam từ cầu Đà Rằng lên, Trung đoàn 48 đánh theo Quốc lộ 1 từ phía Bắc xuống.
Nằm trong đội hình Tiểu đoàn 2, Đại đội 6 của chúng tôi sau khi làm chủ đầu cầu Đà Rằng phía Bắc đã phát triển vào trung tâm thị xã Tuy Hòa và truy kích địch theo đường Trần Hưng Đạo. Riêng trung đội tôi được tách ra đánh lên Tháp Nhạn (Tuy Hòa). Nơi đây, địch có trận địa pháo với 1 khẩu 105mm và 1 trung đội bộ binh.

Tiểu đội thông tin thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A sau trận đánh căn cứ Đồng Dù ngày 29-4-1975. Ảnh do tác giả cung cấp
Những thất bại thảm hại trên cao nguyên và buộc phải rút chạy theo Đường 7 về Phú Yên gây tâm lý tan rã nặng nề trong hàng ngũ địch. Tận dụng thời cơ, toàn đơn vị tập trung tiêu diệt lực lượng địch, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng thị xã Tuy Hòa ngay trong buổi sáng.
Mở đầu bằng chiến thắng giải phóng thị xã Tuy Hòa, đơn vị chúng tôi đã đi tiếp trọn vẹn tháng 4 lịch sử ấy cùng dân tộc cho đến ngày toàn thắng. Trên hai trục đường lớn tiến vào Sài Gòn với mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, Quân đoàn 2 đánh địch dọc các tỉnh ven biển miền Trung, còn Quân đoàn 3 tiến quân theo Đường 14. Lúc này trên các ngả đường chỉ có quân vào mà không có quân ra. Bạt ngàn rừng cao su suốt dọc hai bên Đường 14 trở thành nơi trú quân ban ngày của các đơn vị. Không còn bí mật như những ngày chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trên các con đường tiến về Sài Gòn, nơi nào cũng có quân ta. Địch phát hiện chúng tôi hành quân nhưng cũng chỉ có vài tốp máy bay tới thả bom vào mấy khu rừng cao su, gây cho quân ta tổn thất không đáng kể.
Sư đoàn 320A vượt qua “sông Bé oai hùng” tiến vào vùng đất Bình Dương. Nơi đây toàn những cánh rừng cây lúp xúp, không còn cảnh rừng già và núi cao như trên cao nguyên. Điều đặc biệt diễn ra suốt từ sau ngày chúng tôi đánh cắt Đường 14 là khi tới những vị trí trú quân mới, dù là ở vài ngày cũng không phải đào hầm. Cái xẻng cá nhân đeo trên ba lô có vẻ như được nghỉ ngơi. Chúng tôi chia nhau trải lá dưới những tán cây lưa thưa làm chỗ nghỉ đêm và nhìn nhau, nhớ lại cảnh chỉ mới hơn tháng trước thôi, hành quân tới đâu cũng phải đào hầm, thậm chí phải vất vả để làm những căn hầm chữ A chắc chắn.

Các chiến sĩ thuộc Phân đội trinh sát của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 320A sau trận đánh căn cứ Đồng Dù ngày 29-4-1975. Ảnh do tác giả cung cấp
Quân số vơi đi dọc những năm tháng chiến đấu của đơn vị bất ngờ được bổ sung ngay tại nơi này khi những đoàn chiến sĩ mới từ miền Bắc cấp tốc hành quân bằng ô tô vào kịp. Đơn vị tập trung, những chiến sĩ mới quân phục mới toanh như những mảng màu điểm xuyết giữa đơn vị toàn quân phục bạc màu. Nhưng rồi chỉ ngày sau, lính cũ chúng tôi cũng được phát mỗi người một bộ quân phục mới. “Để cho trận đánh cuối cùng”-cấp trên phổ biến. Rồi gạo cũng được phát đầy đủ hơn, có thêm cả lương khô, thịt hộp, đường, bột trứng. Bữa cơm chiến sĩ đầy đủ và thật tươm tất. Chúng ta đang đi tới những trận đánh lớn để giành chiến thắng cuối cùng nên những kho hàng hậu cần ở Trường Sơn được mở rộng để phân phát cho bộ đội. Không còn phải dành dụm nữa. Chúng tôi náo nức bước vào tập thêm kỹ thuật tác chiến trong thành phố với những mục tiêu là nhà gác, nhà cao tầng.
Ngày 24-4, đơn vị chúng tôi hành quân vượt sông Sài Gòn về vùng đất Củ Chi. Trong ánh sáng bàng bạc ban mai, nhìn những vạt lục bình trôi trên sông, dù không thấy rõ màu tím của hoa nhưng tôi bỗng thấy bồi hồi một cảm giác lạ khi mình đã có mặt gần sát Sài Gòn. Củ Chi đất thép nổi tiếng với hình ảnh địa đạo nằm sát Sài Gòn như một cái gai đâm vào nách địch nhiều năm trước đã đón cả một sư đoàn quân chủ lực về đây. Chúng tôi không xuống địa đạo mà chia nhau đóng quân trong các khu vườn nhà dân. Người dân Củ Chi lúc này sống và sinh hoạt bình thường trong khung cảnh bình yên. Chúng tôi gặp lại những thửa ruộng đã thu hoạch, những khóm tre xanh ven làng. Nghỉ đôi ngày ở đây làm công tác chuẩn bị vũ khí, chúng tôi được phép đi lại trong xóm, tiếp xúc với người dân. Mấy thằng có quần áo rách tranh thủ đem ra nhờ các chị vá giùm bằng những chiếc máy may đạp chân và chuyện trò ríu rít.
Ngay sau đó, chúng tôi được biết về Chiến dịch Hồ Chí Minh mà đơn vị sắp tham gia. Cấp trên phổ biến nhiệm vụ chung nghiêm trang nhưng không kém phần hồ hởi, lạc quan chiến thắng. Dù không biết cụ thể, nhưng chúng tôi đều hiểu từ mọi hướng đều có các cánh quân của ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Trên hướng Tây Bắc này là Quân đoàn 3 chúng tôi.
Sáng 27-4-1975, cán bộ từ cấp trung đội trở lên được tập trung ra một bãi đất rìa làng. Đích thân Trung đoàn trưởng Nguyễn Ấn phổ biến và giao nhiệm vụ qua sơ đồ vạch trên đất vì không kịp đắp sa bàn. Trong đội hình của Sư đoàn 320A, Trung đoàn 9 chúng tôi sẽ mở một cửa mở hướng Nam đánh vào căn cứ Đồng Dù của Sư đoàn 25 ngụy. Chúng tôi biết nhiệm vụ thật nặng nề khi căn cứ Đồng Dù này rộng tới gần 8 cây số vuông, hàng rào kín xung quanh có nơi dày tới 8 lớp, có cả hàng rào cũi lợn. Nhưng đây có thể là trận đánh quy mô cuối cùng của Trung đoàn nên chúng tôi lòng đầy hồ hởi quyết tâm.
Sáng 28-4-1975, cả đơn vị chuẩn bị lần cuối cùng cho trận đánh. Mỗi người phải viết tên, đơn vị và địa chỉ cần báo tin cho gia đình của mình vào một mảnh giấy, cho vào túi ni lông và cất nơi túi áo ngực. Chúng tôi cũng được lệnh lấy ra mặc bộ quân phục mới được phát ít ngày trước để tạo khí thế ra trận. Nếu trong trận chiến đấu sắp tới, ai hy sinh hay bị thương cứ nằm lại, sẽ có du kích đảm nhiệm, còn đơn vị cứ tiếp tục tiến lên. Tối 28-4 ấy, chúng tôi lên đường...

Đền Bến Dược trong Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh hiện nay. Ảnh: HOÀNG VIỆT
Đã 50 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc ngày ấy. Theo du kích Củ Chi và trinh sát dẫn đường, chúng tôi vượt qua những trảng trống, rừng cao su để tiếp cận căn cứ địch. Không gian như sáng ửng lên nhờ những vùng sáng đô thị và khu cư dân phía xa, rồi bừng lên một vùng không gian rộng mênh mông của căn cứ Đồng Dù hiện ra choáng ngợp ngay trước mắt. Cảm giác rất lạ trào dâng.
Sáng 29-4, đơn vị nổ súng đánh căn cứ. Tham gia chiến đấu nhiều trận nhưng chưa bao giờ chúng tôi được pháo binh chi viện nhiều và mạnh như thế. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, dai dẳng vì địch trong căn cứ cố thủ và ngoan cố chống trả. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều hôm ấy, chúng tôi cũng vào được căn cứ địch. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy bị bắt sống.
Đấy là trận đánh cuối cùng trong chiến tranh của tôi. Sáng hôm sau, trên đường hành quân vào Tân Sơn Nhất, nghe tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Chiến tranh đã kết thúc. Mọi thứ như vỡ òa. Trong chúng tôi khi ấy nhiều người nghĩ tới ngày được về nhà và reo lên rằng: “Mẹ ơi, con đã về!”.