'Trận cuồng phong' đang đến với ngành ô tô Đức

Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ, từ tâm lý lạc quan với lợi nhuận cao sang tới sự bi quan về triển vọng ảm đạm phía trước.

Ngành công nghiệp ô tô Đức có khả năng lâm vào một cuộc khủng hoảng mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngành công nghiệp ô tô Đức có khả năng lâm vào một cuộc khủng hoảng mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên báo NTV của Đức, mặc dù thị trường ô tô toàn cầu vẫn tồn tại và phát triển tốt, nhưng ngành công nghiệp ô tô Đức - xương sống của nền kinh tế đầu tàu châu Âu - lại đang gặp khó khăn lớn sau những thành công liên tiếp trong nhiều thập kỷ. Nếu vòng xoáy từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc lan rộng ra thế giới, mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô Đức có thể sẽ "hấp hối".

Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ. Vào năm 2023, cả doanh thu và lợi nhuận của ngành này đều đạt mức kỷ lục, sự lạc quan về tăng trưởng và niềm hân hoan được thể hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng năm nay, doanh thu và lợi nhuận đã giảm rất mạnh, triển vọng tương lai trở nên thật ảm đạm. Tâm trạng hoảng loạn ngày càng lan rộng trong ngành này.

Đáng tiếc là lĩnh vực ô tô điện – xu thế giao thông mới - tiêu thụ chậm. Vì cầu yếu nên kho chứa của các đại lý luôn đầy ắp ô tô mới. Các nhà sản xuất đã phải giảm mạnh sản lượng, cả xe điện và xe động cơ đốt trong hạng sang xuất khẩu. Một số nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng với 50% công suất hoặc thậm chí ít hơn. Nhiều ca làm việc bị cắt giảm, việc sa thải nhân công hàng loạt đã được nhiều doanh nghiệp công bố, một số nhà máy sản xuất cũng đã phải thông báo đóng cửa. Tình hình khó khăn của các hãng sản xuất ô tô lớn tại Đức cũng đang gây ra "thảm cảnh" cho hàng trăm nhà cung cấp linh kiện vừa và nhỏ, bất chấp thực tế là nhu cầu mua ô tô mới trên khắp thế giới đã tăng đáng kể trong những năm qua.

Lần đầu tiên sau một thời gian dài thành công, ngành công nghiệp ô tô Đức lại phải đối mặt với những khó khăn lớn đến như vậy, dù thị trường ô tô toàn cầu vẫn tồn tại và phát triển tốt. Có thể nói rằng "động cơ" của "cỗ máy kinh tế" Đức đang hoạt động không như mong muốn, cùng với đó là hình ảnh nước Đức với tư cách địa điểm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

"Thời kỳ vàng son" đã qua

Trước khi liên minh "Đèn giao thông" ở Đức sụp đổ, đã có nhiều hội nghị chuyên ngành về ngành công nghiệp nói chung và ô tô nói riêng được tổ chức. Nhưng những lời kêu gọi chính phủ hỗ trợ tìm kiếm giải pháp cho ngành là vô nghĩa, vì các chính trị gia có trách nhiệm cũng như những nghiệp đoàn lao động trong lĩnh vực ô tô đã đánh giá sai hoàn toàn mức độ nghiêm trọng của tình hình. Các nghiệp đoàn lao động còn cố gắng yêu cầu mức tăng lương 7% cho người lao động.

Đánh giá về ngành công nghiệp ô tô Đức, Thị trưởng thành phố Ingolstadt, ông Christian Scharpf, tóm tắt tình hình trong một câu ngắn gọn: "Những năm tháng tốt đẹp đã qua!".

Có một điều chắc chắn rằng nếu ngành công nghiệp ô tô Đức gặp khó khăn thì nền kinh tế nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, một "trận bão" đã xuất hiện với ngành ô tô và có thể phát triển thành một "cơn cuồng phong thịnh nộ", điều mà nền kinh tế Đức chưa từng chứng kiến kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc.

Khác với những cú sốc khủng hoảng dầu mỏ hay khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây, gánh nặng đối với ngành ô tô Đức hiện nay sẽ không phải mang tính nhất thời mà đang tạo thành xu hướng dài hạn. Thật khó khăn đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu khi có đến 1/5 tổng quy mô phụ thuộc vào việc tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp ô tô.

Nhiều nguyên nhân cộng hưởng

Có nhiều nguyên nhân gây "bão tố" cho ngành ô tô Đức. Chất lượng địa điểm sản xuất kém là một trong những nguyên nhân đó. Nó tạo gánh nặng rất lớn lên các nhà sản xuất ô tô Đức - đặc biệt là những nhà cung cấp linh kiện - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và chịu sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt.

Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất. Căng thẳng quốc tế và xung đột địa chính trị với mức độ tàn khốc ngày càng gia tăng, cũng như quá trình phi toàn cầu hóa diễn ra thông qua việc áp đặt thuế quan và sự tự cô lập, là những yếu tố bên ngoài tác động lớn đến ngành sản xuất ô tô Đức. Những yếu tố này không chỉ gây khó cho hoạt động xuất khẩu, mà còn cản trở việc nhập khẩu nhiên liệu và các nguyên liệu thô cần thiết. Thuế nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với ô tô Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm xu hướng này.

Những quyết định chính trị sai lầm trong chính sách năng lượng và khí hậu ở Berlin và Brussels, như lệnh cấm ô tô động cơ đốt trong từ năm 2035, mức thuế khí thải CO2 cao từ năm 2025, cũng tạo thêm áp lực lớn cho ngành ô tô Đức. Tất cả các nhà sản xuất đã phải "lao vào" cuộc đua sản xuất ô tô điện, nhưng thật không may, chính dòng sản phẩm này lại đang gây thất vọng lớn. Theo tính toán, doanh số bán ô tô điện hiện tại đã giảm tới 25% ở tất cả các thị trường ô tô lớn, ngoại trừ Trung Quốc.

Cuộc chiến thuế quan sẽ là điều tồi tệ nhất

Một cuộc chiến thương mại và thuế quan tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc và lan rộng ra thế giới sẽ là "giọt nước tràn ly" với ngành công nghiệp xương sống của Đức. Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump áp thuế nhập khẩu từ 20% trở lên đối với ô tô Đức như đã thông báo, đồng thời Trung Quốc cũng áp thuế đối với hàng nhập khẩu cao cấp từ Đức, thì ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị đẩy đến bờ vực thẳm. Kết quả sẽ là sự sụt giảm mạnh mẽ trong sản xuất và việc làm trên toàn bộ chuỗi giá trị. Không có thị trường thứ ba nào có thể đóng vai thị trường thay thế khả dĩ cho tình huống này.

Vì vậy, nếu tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ không khởi sắc mà lại tiếp tục xấu đi, mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp ô tô ở Đức sẽ đối mặt với nguy cơ "lụi tàn".

Vũ Tùng (TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tran-cuong-phong-dang-den-voi-nganh-o-to-duc/354780.html
Zalo