Trầm trầm một chuyến đò thơ
Giữa những hối hả của cơ chế thị trường, ngỡ thời gian hôm nay đang như ngắn lại, thì thơ ca trên dải đất hình chữ S này vẫn nhộn nhịp sinh sôi. Mặc cho trong đây đó ở miền thơ, ta vẫn gặp những gật gù, những lo này sợ nọ... thơ Việt Nam vẫn vô tư gieo xuống cánh đồng đời những chia sẻ, những dự cảm, những trở trăn và yêu tin mơn mởn.

Bìa hai tác phẩm mới của nhà thơ Tôn Duy
Thơ ca quan trọng lắm đối với cuộc sống của người Việt, bởi thơ ngoài định danh là một sản phẩm nghệ thuật, thì còn là phương tiện để người viết, người đọc chuyển tải, chia sẻ và giải phóng những cảm thức sâu lắng trong tâm hồn mình. Tuy nhiên, để đến với một cuộc chơi thơ, chơi chữ với những cảm xúc ngẫu hứng thì không khó, nhưng đến với sự sáng tạo thi ca bằng một tư duy thơ có hệ thống và diễn ra liên tục thì chả bao giờ là dễ đối với bất kỳ người sáng tác nào!
Mới đây, tôi nhận được hai ấn phẩm thơ là Chiều nay có một con đò và Soi trong đáy mắt của nhà giáo - cựu chiến binh Tôn Duy. Đọc trong ấy, nhận thấy một hồn thơ ấm áp, một tư duy thơ xuyên suốt bởi những yêu thương chia sẻ, bởi những góc nhìn khá tinh tế và nhân hậu được cài đặt qua câu chữ thơ ông! Bởi thế mới đồng cảm mà tương tác mấy dòng mở này qua ấn phẩm Chiều nay có một con đò của ông!
Đúng như tên gọi của ấn phẩm, vừa lật mở những trang đầu tiên đã thấy bóng một con đò thơ thấp thoáng trong bể phù sinh giữa sương mờ trời nước: “Chiều nay có một con đò / Lênh đênh trời nước sương mờ lênh đênh”.
Nghe trong câu chữ ấy như đã gợi mở những nỗi niềm. Nào thì lãng đãng nhún lên chuyến đò chữ của người thơ Tôn Duy một đỗi. Ồ, trên con đò thơ của ông đã thấy ngăn nắp, lớp lang những trang thơ trong trẻo và sâu lắng!
Trong ấn phẩm thơ này có nhiều bài được tác giả viết từ vài ba mươi năm trước, đã manh nha những tìm tòi về ý tứ, về ngôn ngữ thơ được cài đặt bằng một tư duy sáng tạo. Đây là một cánh thơ về một đêm trừ tịch: “Câu thơ đọng giữa trang/ Thành giọt sương trong vắt/ Sang canh vừa chợt thức/ Chữ ùa vào ban mai/ Những chiếc lá xòe dài/ Từng lời ngân trong trẻo/ Như bầy chim chèo bẻo/ Thơ hót chào sớm mai”, (Những câu thơ khép mở như loài trinh nữ).
Bài thơ này mang một cái tiêu đề khá mới lạ, câu chữ trong bài cũng liên tục động thức mà tự kích hoạt nhau. Cách dùng chữ, gạn chữ, lọc chữ như thế này, thường chỉ xuất hiện trong sáng tác của người làm thơ đích thực. Ta nhận ra điều ấy bởi ý thức sáng tác đã kiềm chế và điều tiết cảm xúc thơ, để hướng thơ đến với người đọc ở các tầng thức đa chiều, xin tạm gọi rằng đó là một sự chuyên nghiệp trong sáng tác thi ca vậy.
“Có người nghiêng bên vườn cảnh/ Mái đầu mây mạc trôi ngang/ Ngọt ngào tình quê tha thiết/ Cánh cò bay trên đồng vàng/ Em hát bài ca trận mạc/ Xao động lòng anh mênh mang/ Cả thời trai vai mang súng/ Đón xuân hồi hộp non ngàn/ Chiều quê trời xanh yên ả/ Bình nguyên êm đềm xuân sang/ Vẳng nghe bên kia non bộ/ Tiếng súng ì ầm cao nguyên”, (Bên này yên ả).
Những câu thơ trong trẻo trên đây như đã cũ lắm, quen thuộc lắm, mạch thơ cũng thuộc dạng tuyến tính, dung dị còn câu chữ cũng chả thấy xù xì khó hiểu gì cả, vậy nhưng nó lại tạo được dư ba trong lòng người đọc? Ấy là bởi người làm thơ đã rất công phu để thiết đặt những màu sắc, âm thanh của hòa bình, để thức gợi lại một thời khói lửa, qua “mô hình” non bộ cảnh đang được bày dưới cung trời yên ả hôm nay.
Như đã bàn ở phần trước, thơ là phương tiện để chuyển tải, chia sẻ và giải phóng những cảm thức ở trong chủ thể sáng tạo ra nó. Vậy nên với tác giả Tôn Duy, một người lính đã trải mười năm chiến trận, thì hẳn bóng chữ từ những tháng ngày binh lửa ấy hiện hữu và lập ngôn thành tầng, thành vỉa trong thơ ông là tất yếu: “Nửa đời xa Bến Cậy/ Hành quân trên đỉnh rừng/ Đêm treo mình trên võng/ Lại mơ về Hoành Sơn”, (Bến Cậy).
Quả thật, trên con đò thơ của người thơ Tôn Duy, có khá nhiều những bài thơ ấn tượng về dư ba của một thời khói lửa mà ông cùng đồng đội đã đi qua. Những bài thơ ấy chạm đến cảm xúc của độc giả hôm nay bằng vuông vắn sự thật với những chi tiết hết sức tự nhiên mà lay gợi. Trong thơ tự sự những chi tiết thơ vô cùng quan trọng, bởi nó là hạt nhân tạo nên sự thúc nhói và ám ảnh, để sinh ra những dư ba của bài thơ:
“Hòa bình hơn bốn mươi năm/ Tìm nhau bây giờ mới gặp/ Hai thằng ôm nhau òa khóc/ Rồi cười như bắn tiểu liên/…/ Đánh giặc những đêm trinh sát/ Chỉ có ám hiệu thầm thì/ Mà mật lệnh nào cũng hiểu/ Giờ thì thằng hét, thằng nghênh/…/ Đôi tai chỉ nghe tiếng súng/ Giờ nói mồm chẳng ai nghe/ Cả đêm ôm nhau cười khóc/ Thế gian cứ ngỡ bóng đè”, (Bóng đè).
Thể thức thơ tự sự vốn rất dễ sa vào kể lể, sáo mòn, nên nếu muốn tồn tại thì chi tiết thơ, hình ảnh thơ, tình huống thơ dùng để lập dựng lên nó phải đặc trưng và gợi mở. Có như thế thì dạng thức thơ này mới ám ảnh, mới lay thức mà tạo nên miền đồng vọng của nó, miền đồng vọng ấy ở chính trong vùng bạn đọc của thi ca. Như phút ngẫu hứng của hai cựu chiến binh rủ nhau vào một hiệu giày để làm nên bài thơ dưới đây chắc chắn sẽ neo lại trong nhiều người đọc:
“Lặng lẽ bên nhau dạo ngắm phố hè/ Chợt nó rủ mình đi mua giày ở hàng Bách Hóa/ Tôi chọn cho mình một đôi vừa ý/ Nó nhìn hàng giày đôi mắt xa xăm/ Phút hòa bình quên bẵng chiến tranh/ Tôi bỗng nghẹt giữa vinh quang và một lời an ủi/ Trời đất hỡi/ Dép giày ư? Nó chỉ cần một chiếc/ Mà cửa hàng lại chỉ bán cả đôi!”, (Kỷ niệm sau chiến tranh).

Nhà thơ Tôn Duy
Tác giả Tôn Duy sau mấy mươi năm cặm cụi cùng câu chữ, thơ đăng trên sách báo đó đây cũng không ít, nhưng ông cứ nấn ná, đắn đo mãi mới xuất bản cùng lúc hai ấn phẩm thơ này, với thơ đấy là một sự thận trọng rất cần thiết. Đọc cả hai ấn phẩm nhận thấy sự tổ chức bản thảo, bố cục các tập thơ rất gọn, chắc và nhuyễn. Như ở tập Chiều nay có một con đò này, bên những trang thơ từ hồi ức là mảng thơ ông viết về nếp văn hóa làng quê xưa, đang mai một trước sự hội nhập và xâm thực ào ạt từ cuộc sống. Xen giữa hai nguồn mạch thơ ấy, là những cảm thức thơ của ông về tình yêu, về các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống hôm nay… những mảng thơ ấy cứ tự nhiên mà tương tác, mà dẫn động nhau tìm về miền đồng vọng của thi ca. Đây là bài thơ ông viết từ cảm xúc về một cậu học trò của mình (cậu bé ấy bị tật nguyền ở đôi chân) bằng những câu chữ trong như pha lê được chắt ra từ sâu thẳm:
“Cầm tay em như đi trên sa mạc/ Trang vở đầm đìa mồ hôi/ Mồ hôi em trộn mồ hôi tôi/ Nhọc nhằn đi từng nét chữ./… Năm cuối cùng / Òa lệ đọc tên em/ Trên hàng học trò giỏi nhất/ Em kiên nhẫn đi lên, từng trang sách/ Đôi chân như hai chiếc kim giờ!”, (Hai chiếc kim giờ).
Đây, một lát cắt mới tinh từ một miền quê đã ngàn đời yên ả: “Cả một đời đi vắng/ Hôm nay về với quê/…/…/ Chiều lòng vòng quanh xóm/ Bờ tre ký ức rồi/ Không còn cây nào nữa/ Mà kẽo kẹt đưa nôi/ Giờ trưa gà không gáy/ Chỉ có nắng ong ong/ Có lẽ gà cần thở/ Hơn là gáy phải không?” (Ở quê).
Còn đây là một khúc thanh tân đã được lắng lọc bằng cả tứ, cả tư (thiên tư) và tình người trong thời hội nhập: “Từ độ em về xuân ríu ran/ Ngoài hiên hoa bướm, gió miên man/ Tim ta hát mãi lời xuân chín/ Nhịp phách rộn lòng như nắng lên/ Em về cắm lại bình hoa mới/ Mở cửa gió ùa, mỗi sớm mai/ Tiếng chim trong vắt ngoài song nắng/ Khúc hát thanh tân, xuân biển, xuân trời”, (Khúc thanh tân).
Đọc thơ Tôn Duy, thấy còn đó chút cũ càng, thấy còn đó đôi chỗ hơi rậm chữ. Nhưng sự tần tảo, bền bỉ cùng câu chữ xuyên suốt quá trình sáng tác, thì hẳn rồi đây sẽ được bạn đọc xác tín qua những ấn phẩm thơ của ông xuất bản lần này: “Tất tả ra vào/ Những người đàn bà/ Xoong chảo leng keng/ Tiếng sóng, tiếng thuyền, tiếng tời quay xiết/ Tiếng cười lan trong gió lên…/ Nào, dô huầy dô/ Khua phàng lên/ Tay chài, tay lưới dẻo bền/ Mênh mang, dô huầy dô/ Khua phàng lên!”, (Ở xóm vạn chài).
Với thơ ca, khi tiếp cận những tập thơ riêng sẽ mang đến cho người đọc một chân dung thơ đầy đủ và chân thực nhất của tác giả. Bởi vậy, trước khi rời con đò thơ của cựu chiến binh - nhà giáo Tôn Duy, tôi tin rằng, chất thơ ấy, tầm thơ ấy xứng đáng hiện hữu trong dòng chảy của văn chương Việt Nam hôm nay!