Trái tim người chiến sĩ (Bài 2)
Bài 2: Gieo mầm hy vọng
Bài 1: Hành trình lặng lẽ
ĐBP - Không ít người hỏi Trung tá Phạm Chí Dũng vì sao lại sẵn sàng hiến máu nhiều đến vậy, cả máu toàn phần lẫn tiểu cầu, thậm chí phải vượt hàng trăm cây số từ cực Tây về Hà Nội, nằm hàng giờ trên giường gạn tách. Anh chỉ cười hiền, bảo: “Vì tôi biết, ở đâu đó đang có người cần nó để sống”.
Việc hiến tiểu cầu không được thực hiện tại Điện Biên, đồng nghĩa với việc Trung tá Dũng phải chủ động sắp xếp công việc, đi sớm, về muộn, tự chi trả mọi chi phí đi lại, ăn ở. Nhưng chưa lần nào anh nản.

Trung tá Phạm Chí Dũng (thứ 2 từ trái sang) được UBND tỉnh tôn vinh tại chương trình “Hành trình đỏ" năm 2025.
Trung tá Phạm Chí Dũng kể, lúc đầu cũng có người bảo tôi “có nhất thiết phải vất vả thế không”, nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng đợi sự thuận tiện thì sẽ có bao nhiêu người không còn cơ hội được sống nữa? Mỗi lần hiến xong, cơ thể có thể mỏi, nhưng tinh thần thì nhẹ nhõm lắm. Chỉ cần nghĩ đến việc ở đâu đó có người mẹ được gặp lại con, người chồng kịp cầm tay vợ qua cơn nguy kịch… là thấy mọi vất vả đều xứng đáng.
Từ suy nghĩ giản dị ấy, anh bắt đầu nghĩ xa hơn: Làm sao để có thêm nhiều người cùng cho đi? Làm sao để một hành động nhỏ có thể tạo nên sức lan tỏa lớn? Và rồi, cuối năm 2024, anh cùng vài người bạn thân quen lập Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ”. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng dần quy tụ hàng trăm thành viên ở nhiều tỉnh thành, đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp từ công an, giáo viên, sinh viên đến tiểu thương, nông dân…
Trong số đó, có người hiến máu và tiểu cầu hàng chục lần như anh. Có cả những người trước đây chưa từng nghĩ đến việc hiến máu, vậy mà chỉ sau một lần nghe chia sẻ từ thành viên câu lạc bộ, được truyền cảm hứng đã lặng lẽ đến cơ sở y tế đăng ký hiến lần đầu. Em Nguyễn Diệu Hương (20 tuổi), phường Điện Biên Phủ là thành viên như thế.
Nguyễn Diệu Hương kể lại: Em biết đến câu lạc bộ qua một bài chia sẻ của anh Dũng trên mạng xã hội. Trước đó, em rất sợ máu, chưa từng nghĩ mình có thể làm được điều đó. Nhưng khi thấy những câu chuyện về người bệnh chờ máu, thấy các cô chú, anh chị kiên trì hiến hàng chục lần, em nghĩ tại sao mình lại không thể? Lần đầu hiến xong, em chỉ thấy hơi tê tay một chút, nhưng trong lòng thì rất vui. Em nghĩ, nếu mình còn đủ sức khỏe, em sẽ tiếp tục.
Với Trung tá Phạm Chí Dũng, việc lập câu lạc bộ không phải để đứng đầu một tổ chức, càng không phải để được ngợi khen. Anh chỉ mong có một nơi để những trái tim ấm tìm thấy nhau, cùng sẻ chia, cùng hành động; để mỗi giọt máu cho đi không chỉ là sự cứu giúp kịp thời mà còn là biểu hiện đẹp của tình người luôn hiện hữu trong lặng lẽ và yêu thương.

Thành viên Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ” tham gia hiến máu và tặng quà bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Từ những tấm lòng cùng hướng về điều thiện, các hoạt động của Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ” ngày càng lan tỏa rộng hơn, thiết thực và ý nghĩa hơn. Trong quý I/2025, câu lạc bộ đã hiến, vận động được hàng trăm đơn vị máu và tiểu cầu; tổ chức quyên góp trên 50 triệu đồng giúp người dân tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả sau bão; tặng quà học sinh nghèo ở tỉnh Thái Nguyên; hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Điện Biên… Mỗi lần lên đường, họ mang theo sự nhiệt huyết và niềm tin giản dị “Một chút sẻ chia đúng lúc có thể thay đổi cả một số phận”.
Hơn 100 thành viên Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ” do Trung tá Phạm Chí Dũng sáng lập gắn kết với nhau không phải bằng quyền lợi, danh vị hay điều kiện vật chất mà bằng niềm tin vào cuộc sống. Với riêng Trung tá Dũng, những nghĩa cử ấy chưa bao giờ dừng lại ở việc cho đi trong hiện tại. Ít ai biết, anh đã âm thầm đăng ký hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người trong trường hợp xấu nhất.
“Nếu sự sống trong tôi kết thúc thì vẫn còn điều gì đó được tiếp nối. Tôi đã hoàn tất thủ tục đăng ký hiến thi thể cho y học với mong muốn: Thân thể này dù một ngày nào đó không còn hơi thở vẫn có thể hữu ích cho cuộc đời, cho khoa học, cho những người cần...” - Trung tá Phạm Chí Dũng nói dứt khoát.

Thành viên Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ” và Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà hỗ trợ cháu Quàng Việt Hưng và Quàng Việt Hà bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Là người nhiều năm gắn bó trong công tác nhân đạo, bà Nguyễn Thị Dân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên chia sẻ: Anh Dũng là một trong những người đi đầu không chỉ trong hiến máu mà cả lan tỏa lối sống tử tế, trách nhiệm. Những việc anh làm luôn thuyết phục người khác bằng sự chân thành, bằng hành động cụ thể chứ không cần phải nói nhiều.
Dưới sắc phục nghiêm trang của người lính cảnh sát cơ động, người ta thấy ở Trung tá Phạm Chí Dũng một trái tim luôn ấm nóng vì cộng đồng. Với anh, đó chỉ đơn giản là cách để lan tỏa tinh thần sống vì người khác từ những điều nhỏ bé.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao chứng nhận Tấm lòng vàng cho Trung tá Phạm Chí Dũng, đại diện Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ”.
Và có lẽ, chính sự lặng lẽ ấy lại khiến hành trình của anh trở nên đáng nhớ. Một người lính giữa đời thường, chọn cách sống tử tế không bằng những lời hô hào mà bằng hành động cụ thể và xúc động. Một sứ giả của những giọt hồng đang ngày ngày gieo hy vọng cho sự sống, bằng tất cả tình yêu thương và lòng nhân hậu.
“Tôi không nghĩ mình làm điều gì to tát. Chỉ đơn giản là, nếu mình có thể làm gì đó có ích thì đừng để cơ hội trôi qua...” - Trung tá Phạm Chí Dũng nở nụ cười hạnh phúc.
Ngày 9/7/2025, tại chương trình “Hành trình đỏ” lần thứ 13 và tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2025 do Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Điện Biên tổ chức, Trung tá Phạm Chí Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có nhiều đóng góp trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2024.