'Trải thảm đỏ' mời nhân tài công nghệ

Bên cạnh chiến lược đào tạo nhân lực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam cần một chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng và giữ nhân nhân tài công nghệ.

Để thu hút nhân tài công nghệ, Việt Nam cần tạo điều kiện để các trường đại học thực hiện các nghiên cứu đột phá. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Để thu hút nhân tài công nghệ, Việt Nam cần tạo điều kiện để các trường đại học thực hiện các nghiên cứu đột phá. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cần chính sách đột phá

Là địa phương có nhiều dự án vi mạch bán dẫn, Bắc Giang cần khoảng 20.000 nhân lực AI, bán dẫn đến năm 2030. Để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, bên cạnh việc đào tạo, Bắc Giang dự kiến ban hành chính sách thu hút nhân tài khá cởi mở. Theo đó, giáo sư về làm việc sẽ được nhận ngay số tiền 1 tỷ đồng/người, chức danh phó giáo sư 600 triệu đồng/người, tiến sỹ 250 triệu đồng…

TP. Đà Nẵng cũng đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI giai đoạn 2025-2030. Theo đó, Thành phố sẽ có chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, AI.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học được hưởng một lần thu nhập ban đầu 100 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại doanh nghiệp, thu nhập tối đa 50 triệu đồng/tháng đối với người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước. TP. Đà Nẵng dự kiến tổng kinh phí ngân sách đảm bảo thi hành nghị quyết trên trong giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 873 tỷ đồng, trung bình 175 tỷ đồng/năm…

Tháng 9/2024, Chính phủ đã thông qua Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, cùng với chiến lược đào tạo, cần phải gấp rút thu hút, mời chào các nhân tài, nhân lực chất lượng cao để đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.

Nghị quyết 57-NQ/TW 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đề ra giải pháp “phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Theo đó, cần ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ AI và đào tạo nguồn nhân lực.

GS-TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới đánh giá, Việt Nam đang thiếu cơ chế trọng dụng nhân tài, chưa có chiến lược toàn diện để thu hút và giữ chân nhân tài, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Vì vậy, cần cải cách cơ chế sử dụng nhân tài, bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu đối với các nhà khoa học, xây dựng cơ chế trọng dụng nhân tài dựa trên năng lực và thành tích thực tế, học hỏi mô hình của Singapore và Trung Quốc trong việc thu hút chuyên gia quốc tế.

Theo Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, một lượng lớn nhân lực vẫn đang trong quá trình đào tạo, chưa kể đào tạo xong có thể phải mất thêm 10 năm nữa mới có thể bắt đầu làm được. Muốn đi nhanh cũng không thể đốt cháy giai đoạn được, vì vậy thời gian đầu chưa kịp thì trước mắt phải thu hút, thậm chí thuê nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Hiến kế thu hút nhân tài

Cho rằng, việc thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài là “rất khó”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Tài chính) chỉ ra những trở ngại như thu nhập bất cân xứng giữa công việc tại nước ngoài và ở Việt Nam; cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Việt Nam còn nhiều hạn chế; môi trường sống còn nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông.

“Ít nhất chúng ta phải đáp ứng 80% kỳ vọng của chuyên gia để họ cân nhắc quay về, thì 20% còn lại sẽ đến từ tình yêu quê hương”, ông Thịnh nói.

Muốn đi nhanh cũng không thể đốt cháy giai đoạn được, vì vậy thời gian đầu chưa kịp thì trước mắt phải thu hút, thậm chí thuê nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Theo PGS-TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, thực tế cho thấy, các yếu tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc là đảm bảo cho họ các “không gian” tự chủ sáng tạo, đóng góp và cống hiến, phát triển và thăng tiến, được đảm bảo về cuộc sống ( nhà cửa ổn định, chỗ học cho con cái…).

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, TS. Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng, Việt Nam muốn hút người tài trở về, phải tạo ra môi trường để họ có cơ hội đóng góp thực sự. Nếu là những chuyên gia đầu ngành, những người đã có 20-30 năm kinh nghiệm, tên tuổi đã được khẳng định trên thế giới, họ sẽ kỳ vọng một vị trí tương xứng để phát huy năng lực và tạo ảnh hưởng. Tuy nhiên, hệ sinh thái công nghệ trong nước hiện vẫn thiếu những vị trí đủ tầm để đáp ứng kỳ vọng này.

Trong khi đó, đối với các kỹ sư trẻ, những sinh viên mới ra trường, điều kiện tiên quyết đối với họ là tài chính ổn định và cơ hội học hỏi, phát triển. Bài toán đặt ra là làm thế nào để họ thấy giá trị trong những đóng góp của mình, làm thế nào để họ có cơ hội khẳng định bản thân trong một môi trường cởi mở, thúc đẩy sáng tạo.

Theo ông Đạm, Việt Nam có thể tham khảo các chính sách đột phá thu hút tài năng công nghệ từ nước ngoài của Trung Quốc, Singapore… Không chỉ trả mức lương gấp đôi, gấp ba so với thị trường khác, chính phủ các nước này còn thiết lập các quỹ đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu, áp dụng chính sách thuế ưu đãi, thậm chí tạo điều kiện đặc biệt về nhà ở, giáo dục cho gia đình chuyên gia.

“Mỗi người có một nhu cầu riêng. Với bản thân tôi, bên cạnh gia đình, tôi rất quan tâm tới việc nghiên cứu và muốn tiếp cận đỉnh cao của khoa học. Điều này không dễ. Môi trường ở Google DeepMind có tài nguyên giúp tôi tiếp cận được điều đó. Đây là yếu tố khó thực hiện được ở Việt Nam, đòi hỏi đầu tư lớn hơn cho tài nguyên”, TS. Lê Viết Quốc, chuyên gia hàng đầu của Google về AI chia sẻ.

Theo ông Quốc, Việt Nam cần đưa các nhân tài, những giáo sư tầm thế giới về làm tại Việt Nam, hoặc tạo điều kiện để các trường đại học thực hiện các nghiên cứu đột phá. Đó là lý do nên tập trung vào mảng giáo dục. Nhưng giáo dục thôi chưa đủ, cần đẩy mạnh start-up, thu hút doanh nghiệp lớn như Google, Facebook vào Việt Nam, mở văn phòng kỹ thuật để các nhân tài gia nhập, sau đó họ sẽ phát triển start-up. Đây là lộ trình dài, nhưng nên làm. Nếu kết hợp được những yếu tố này, nhân tài Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trai-tham-do-moi-nhan-tai-cong-nghe-d261887.html
Zalo