Thời cơ cho những phóng viên chụp ảnh thật giữa cơn bão tạo ảnh giả từ AI
Bằng những kinh nghiệm nhiều năm 'tác chiến', những cơ duyên được học hỏi từ các chuyên gia trên thế giới cùng thực tiễn đào tạo các phóng viên ảnh, nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn - Phó Ban Thư ký tòa soạn, Trưởng khối nội dung Media - Báo Dân trí- đã đưa ra nhiều quan điểm, nhiều câu chuyện thực tế hữu ích xung quanh chủ đề này trong bài viết gửi báo Nhà báo và Công luận.
Giữa năm 2023, khi tham gia chuyến tham quan - học tập ngắn hạn về báo chí tại Mỹ, tôi có cơ hội tham dự 2 buổi thảo luận vô cùng thú vị liên quan đến ảnh báo chí.
Nhà báo kỳ cựu, Giảng viên cao cấp Al Tomkins đến từ Viện nghiên cứu truyền thông Poynter (Florida, Mỹ) đã chia sẻ rất nhiều về thách thức của AI trong việc khai thác, biên tập, kiểm chứng và xuất bản báo chí, đặc biệt là với các sản phẩm trực quan là ảnh báo chí và video.
Ông đưa ra một số ví dụ từ các công cụ AI hỗ trợ việc tẩy xóa, cắt ghép, tạo ra những bức ảnh một cách dễ dàng bằng câu lệnh hoặc chỉ bằng việc dùng ngón trỏ di chuột 1 - 2 giây trên màn hình máy tính, thậm chí các đoạn video kèm âm thanh về chiến sự Nga - Ukraine cũng được làm giả một cách tinh vi, khó phát hiện, xác minh một bức ảnh giả cựu Tổng thống Donald Trump bị cảnh sát bắt giam... Chính các cơ quan điều tra, các cơ quan báo chí tại Mỹ… cũng đau đầu trong việc xác minh, kiểm chứng các bức ảnh và video trong một số vụ việc cụ thể để có thể sử dụng, công bố, thông tin một cách chính xác nhất đến người dân và độc giả.
Trong suốt hơn 3 tiếng thảo luận, hoàn toàn không có một giây nào vị giáo sư nhắc đến, hướng dẫn 23 nhà báo đến từ 21 quốc gia việc tạo ra một bức ảnh/video từ AI như thế nào và dùng vào mục đích gì, mà chỉ tập trung vào hướng dẫn cách kiểm chứng, xác thực các bức ảnh/video thật hay giả.

Tác giả tương tác trong buổi thảo luận của ông Al Tomkins về kiểm chứng ảnh giả được tạo ra từ AI.
Ở buổi thảo luận về nghiên cứu MXH, ông Doug Haddix – Giám đốc chương trình Kiplinger về Báo chí Công vụ, Phó Chủ tịch Đại học Bang Ohio (Mỹ) – chia sẻ: Khó khăn lớn của các cơ quan báo chí nói chung và mỗi nhà báo phóng viên nói riêng hiện nay đó là đối mặt với hàng triệu thông tin sai sự thật, các sản phẩm giả từ trí tuệ nhân tạo AI, sự sao chép lẫn nhau để đăng tải lại thông tin/hình ảnh mỗi ngày trên trên internet. Đây là mảnh đất giàu tài nguyên, màu mỡ thông tin nhưng cũng rất dễ dính tin giả, hình ảnh sai sự thật… nếu người làm báo không tỉnh táo và được trang bị những kỹ năng cần thiết.
Ông tập trung hướng dẫn nhóm 23 nhà báo nhiều trong việc phân tích dữ liệu, khai thác và kiểm chứng thông tin (chủ yếu là hình ảnh) từ mạng xã hội phục vụ đưa tin, xuất bản báo chí.

Ông Doug Haddix – Giám đốc chương trình Kiplinger về Báo chí Công vụ, Phó Chủ tịch Đại học Bang Ohio, Mỹ - trong buổi thảo luận.
Tựu chung lại, cả 2 diễn giả đều coi AI như một thách thức lớn với các sản phẩm báo chí trực quan, không coi đó như một công cụ sáng tạo, hỗ trợ cho các nhà báo trong việc đưa tin đúng sự thật, khách quan. Và người làm báo rất dễ bị cuốn vào cơn sóng AI để có một bức ảnh/đoạn video nhanh, sạch, đẹp, hấp dẫn… nhưng “không có thật” hoặc bị thay đổi bản chất sự thật của hình ảnh/thông tin có sẵn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, cũng từ khoảng đầu năm 2023 đến nay, chúng ta thấy rầm rộ việc các cơ quan báo chí tổ chức các khóa đào tạo, học cách sử dụng AI và áp dụng vào trong sản xuất nội dung. Như vậy, có thể thấy báo chí ở Việt Nam đã đi sau các nước phương Tây khá nhiều. Với riêng các sản phẩm ảnh báo chí, họ bỏ qua việc đưa AI vào áp dụng, hỗ trợ công việc làm báo mà ngay lập tức tìm các giải pháp để hạn chế, khắc chế, xác minh, kiểm chứng những sản phẩm ảnh/video AI sai sự thật từ đầu vào/nguồn tin trước khi xuất bản trên các ấn phẩm báo chí.
Từ giữa năm 2023, báo Dân trí bắt đầu áp dụng việc ứng dụng AI vào hỗ trợ công tác biên tập, xuất bản nội dung. Trong đó, chủ yếu là việc cá nhân hóa nội dung, phân tích hành vi để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, rà soát chính tả, tổng hợp và biên tập nội dung từ nguồn văn bản có sẵn…
Với ảnh báo chí, chúng tôi hoàn toàn không áp dụng AI vào việc chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép ảnh… mà chỉ số ít phóng viên chủ động dùng AI tạo ra một số ít ảnh minh họa cho những nội dung trên thực tế khó có thể chụp được và nội dung chung chung không hướng tới cụ thể một cá nhân, tổ chức hay sự việc rõ ràng nào. Ví dụ như ảnh cho các bài viết về tình yêu giới tính, các kỳ thi (không được vào chụp) trong mục giáo dục, ảnh nhân viên văn phòng làm việc ở công sở… và các bức ảnh đều có chú thích, ghi nguồn rõ ràng là sản phẩm được tạo ra từ AI. Đây là những nội dung mà nếu tìm ảnh chụp thật để minh họa cũng rất hiếm và khó, và nếu có thì cũng khó khăn trong việc dùng ảnh do liên quan đến bản quyền hình ảnh cá nhân nếu rõ mặt các nhân vật trong ảnh.
Một mảng nữa báo có áp dụng AI đó là họa sĩ thiết kế tạo ra sản phẩm ảnh đồ họa trong các bài trực quan định dạng Dmagazine – đây là dạng bài viết chất lượng cao được bổ trợ ảnh/video, có thiết kế đồ họa đẹp mắt, sinh động. Và đương nhiên, chúng tôi không coi sản phẩm báo chí có ảnh đồ họa là sản phẩm ảnh báo chí, hiện nay định dạng này mới được Hội Nhà báo đặt tên là các sản phẩm Báo chí sáng tạo, được áp dụng các giải pháp công nghệ mới như VR, AI, AR…
Sau thời gian áp dụng thử nghiệm và thu thập ý kiến khảo sát phản hồi từ độc giả, chúng tôi nhận nhiều góp ý cho rằng những bức ảnh tạo ra từ AI là không phù hợp, hình ảnh bị sượng trân, không “thật” theo đúng nghĩa đen và không mang lại cảm xúc cho độc giả. Rõ ràng, những bức ảnh từ AI không những không củng cố được niềm tin từ độc giả vào bài viết mà còn làm suy giảm niềm tin mà tờ báo đã gây dựng suốt nhiều năm qua. Chúng tôi đã điều chỉnh giảm dần việc dùng ảnh minh họa tạo ra từ AI xuống mức tối thiểu và hiện tại là rất hãn hữu.

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn
Tham khảo từ nhiều cơ quan báo chí khác, việc sử dụng ảnh được tạo ra từ AI cũng khá tương đồng. Lấy ví dụ từ bức ảnh dùng làm minh họa cho nội dung bài thơ trên một trang báo điện tử bên dưới: Hình ảnh người bà nội được nhắc đến trong thơ chỉ mang dáng dấp đặc trưng của một bà cụ châu Á, không mô tả đúng người Việt. Chi tiết trầu, cau trong ảnh cũng nhang nhác giống loại hạt hay loại bánh chung chung, không thật như ảnh chụp lá trầu, quả cau trong văn hóa nhai trầu nhuộm răng của người Việt.
Người đọc thơ đã bị bức ảnh minh họa phá vỡ cảm xúc khi hoài niệm về hình ảnh người bà nội mình như mong muốn được gợi nhớ trong đầu, trong ký ức. Và dù, đến một ngày AI có thể tạo ra bức ảnh chân thực hơn, giống thật hơn thì vẫn chưa phải là “ảnh thật”.

Trong nhiều năm qua, phóng viên ảnh của khối Media nói riêng và phóng viên, biên tập viên của báo Dân trí nói chung được đào tạo, hướng dẫn, quán triệt việc tác nghiệp, biên tập, sử dụng và xuất bản ảnh báo chí đúng quy định của báo, không cắt ghép, tẩy xóa (đặc biệt là không dùng công cụ từ AI) làm sai bản chất nội dung ảnh báo chí.
Giữa năm 2023, một sinh viên thực tập gửi bài ảnh cho tôi nhận xét, từng ảnh trong bài quá hoàn hảo, gọn sạch khiến tôi khá bất ngờ. Chính tôi, hay thậm chí nhiều phóng viên giỏi nghề cũng không dám tự tin rằng với chỉ một buổi thực hành có thể chụp tốt như vậy. Thực tế không như kỳ vọng, sau khi đối chiếu với những bức ảnh gốc, cậu sinh viên năm 3 tự nhận rằng đã dùng tính năng AI mới cập nhật trên phần mềm Photoshop để tẩy xóa toàn bộ những nhân vật thừa, vướng trong ảnh, những vật thể, tiểu tiết làm “rác” ảnh, hoàn hảo đến mức không thể phát hiện ra.
Nhiều loại smartphone hiện đại cũng đã tích hợp sẵn AI trong tính năng chụp ảnh. Chỉ cần điện thoại đó kết nối internet, người dùng chỉ mất vài giây dễ dàng tẩy xóa, cắt ghép ảnh dễ dàng từ bức ảnh chụp, sau đó xuất ảnh ra như một file nguyên gốc, rất khó có thể xác định đã bị tác động làm sai lệch bản chất sự thật ban đầu hay chưa. Hơn nữa, smartphone trong hơn 10 năm trở lại đây đã trở thành thiết bị chụp ảnh chính và phổ biến của phóng viên không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới.
Khá buồn, nhưng đó là thực tế, công cụ hỗ trợ và đặc biệt sự phát triển của AI đã khiến nhiều phóng viên không còn chăm chỉ và cần mẫn như trước đây.
Rào cản lớn của người biên tập ảnh ở các cơ quan báo chí là dữ liệu hình ảnh mỗi ngày đổ về quá lớn, việc xử lý cũng vô cùng khó khăn. Thông tin, hình ảnh mới tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội khiến người làm báo luôn đau đầu trong việc xác minh, kiểm chứng trước khi tiếp cận nội dung nào đó.
Hiện tại, cũng có một số công cụ AI miễn phí và trả phí cho phép người dùng kiểm chứng nội dung text hoặc ảnh hay video xem đó là thật hay do AI tạo ra, ví dụ như:
- https://app.illuminarty.ai/#/image
- https://www.v7labs.com/news/v7-releases-deep-fake-detector-for-chrome
- https://huggingface.co/
Tuy nhiên, các kết quả đưa ra không tuyệt đối và chỉ mang tính tham khảo. Người biên tập ảnh vẫn chủ yếu dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm và sự nhạy bén của người làm nghề để kiểm chứng và xác thực ảnh AI. Điều này đòi hỏi người làm báo càng phải học nhiều hơn, trang bị kỹ năng tốt hơn cho mình trước những thách thức lớn từ AI nói riêng và công việc nói chung.
Ảnh tạo ra từ AI có thể được dựng lên khá chi tiết từ mô tả của người dùng kết hợp với dữ liệu được thu thập trên internet từ máy tính. Cộng đồng mạng có lẽ phần đông sẽ hào hứng với những bức ảnh mang tính giải trí, đẹp mắt, thậm chí không tưởng được tạo ra từ AI. Ảnh tạo ra từ AI đa phần phục vụ cho mục đích sản xuất nội dung giải trí và thương mại. Nhưng với báo chí thì khác, dù nhìn thật và sinh động đến đâu thì đó cũng chỉ là một sản phẩm số hóa từ trí tưởng tượng của con người. Mọi nhân vật, chủ thể, bối cảnh trong bức ảnh không có thật, không diễn ra sự vật, sự việc, nhân vật… có thật trong cuộc sống xung quanh ta.
Khi một sự việc lớn diễn ra được cả xã hội quan tâm, những người làm báo dễ dãi chấp nhận một sản phẩm ảnh chưa kiểm chứng đủ hoặc sản phẩm ảnh tạo ra từ AI để đua tốc độ nhằm tạo phễu hút độc giả về mình sẽ rất dễ dàng mất dần độc giả trung thành đến với những tờ báo theo đuổi lý tưởng tìm kiếm sự thật dù gặp nhiều khó khăn hơn. Giữa hàng nghìn bức ảnh giả, khi nổi lên một bức ảnh thật thì sẽ tạo thành phễu thu hút cả xã hội đổ dồn về đó và quay lưng với ảnh giả.
Giống như câu chuyện “Chú bé chăn cừu”, khi chúng ta mỗi ngày đều đặn đưa quá nhiều ảnh giả được tạo từ AI đến cho độc giả, đến một ngày khi niềm tin dần bị suy giảm, độc giả sẽ không còn tin vào bất cứ nội dung bức ảnh nào do chúng ta xuất bản trên báo nữa, cho dù đó là ảnh chụp thật và vô cùng có giá trị.
Lòng tin của xã hội với báo chí sẽ ngày càng được củng cố vững chắc hơn, độc giả đọc báo sẽ đặt niềm tin vào nội dung và hình ảnh chân thực do phóng viên tác nghiệp mang lại. Người chụp “ảnh thật” sẽ có cơ hội để thể hiện và chỗ đứng giữa cơn bão tạo “ảnh giả” từ AI.