Trại sáng tác Jules Roy, nơi ra đời nhiều tác phẩm văn học Pháp

Việt Nam có Trường viết văn Nguyễn Du, nước Pháp cũng có Trại sáng tác văn học Jules Roy. Cùng chung mục đích là cho ra đời những tác phẩm văn học, nhưng lịch sử hình thành và cách hoạt động lại không hẳn như nhau.

Ngôi nhà của nhà văn Jules Roy tọa lạc trên đỉnh đồi, nhìn ra những cánh đồng rộng mênh mông.

Ngôi nhà của nhà văn Jules Roy tọa lạc trên đỉnh đồi, nhìn ra những cánh đồng rộng mênh mông.

Phóng viên TTXVN tại Pháp đã có dịp khám phá trại sáng tác kiểu Pháp này. Tọa lạc trên đỉnh đồi của làng Vézelay, một trong những làng đẹp nhất nước Pháp được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ngôi nhà của nhà văn Jules Roy (1907-2000) bình dị như bao nhà khác trong làng. Ít ai biết được đây là nơi sản sinh ra những tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn lúc sinh thời, và sau này trở thành không gian khơi nguồn cảm hứng để các nhà văn Pháp ngữ cho ra đời những tác phẩm của mình.

Gọi là Trại sáng tác, nhưng thực chất đó là căn biệt thự nhỏ của nhà văn Jules Roy, nơi ông đã sống trong khoảng 20 năm cuối của cuộc đời, cũng là nơi ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Theo di nguyện của nhà văn, sau khi ông qua đời, ngôi nhà trở thành nơi đón tiếp các tác giả, các nhà văn, nhà biên kịch trong vùng đến ở và viết nên những tác phẩm của mình.

Tiếp nhận ngôi nhà vào năm 2000, không lâu sau khi ông từ trần, tỉnh Yonne đã cho trùng tu tôn tạo, theo đó tầng trệt và khu vực sân vườn là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, triển lãm bình văn thơ; tầng 1, nơi nhà văn từng sống và làm việc, được giữ nguyên và trở thành Bảo tàng Jules Roy; tầng 2 còn gọi là tầng áp mái, được dùng làm nơi đón tiếp các văn sĩ đến trải nghiệm và sáng tác, đúng theo di nguyện của nhà văn Jules Roy.

Nếu như Trường viết văn Nguyễn Du ở Việt Nam là chiếc nôi đào tạo hàng loạt các nhà văn trẻ có triển vọng, thì Trại sáng tác Jules Roy lại là nơi ươm mầm cho từng tác phẩm văn học. Hàng năm trại chỉ đón nhận 2-3 nhà văn. Mỗi nhà văn sẽ ở ngôi nhà của Jules Roy trong thời gian 1-2 tháng, nhiều nhất cũng chỉ 3-4 tháng, tùy theo quy mô tác phẩm mà họ định cho ra đời.

Góc làm việc của nhà văn Jules Roy ở tầng 1, nay đã trở thành bảo tàng Jules Roy.

Góc làm việc của nhà văn Jules Roy ở tầng 1, nay đã trở thành bảo tàng Jules Roy.

Có một Hội đồng giám khảo xem xét để lựa chọn nhà văn được mời đến ở và sáng tác. Không chỉ đón tiếp các nhà văn trong nước, Trại sáng tác Jules Roys còn mời cả những nhà văn, nhà biên kịch nước ngoài đến trải nghiệm với điều kiện họ phải nói được tiếng Pháp để có thể khám phá, giao lưu với người dân và hòa nhập với cuộc sống tại địa phương. Các tác phẩm, bài viết ra đời trong ngôi nhà này sẽ được đăng trên trang web của tỉnh Yonne, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân địa phương.

Theo ông Thierry Léonard, quản lý tòa nhà, mở cửa từ hơn 20 năm nay, Trại sáng tác Jules Roy đã đón tiếp khoảng 90 nhà văn, trong đó có cả các nhà văn Pháp ngữ đến từ Québec, Algérie, Maroc... Năm nay, lần đầu tiên trại sáng tác đón một nhà văn gốc Việt, đó là bà Trần Thu Dung. “Điều này rất có ý nghĩa, vì chúng ta biết là nhà văn Jules Roy cũng có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Ông ấy từng là nhà báo và đã nhiều lần đến nơi này”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thierry Léonard, năm nay, nước Pháp đón Thế vận hội Olympic mùa Hè, và làng Vezelay là một trong những nơi vinh dự đón ngọn đuốc đi qua. Do đó, Ban quản lý quyết định mời các nhà văn nước ngoài nói tiếng Pháp đến Trại sáng tác để khám phá miền đất này, viết về nơi đây, gắn với chủ đề Olympic. Các bài viết của họ sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của tỉnh Yonne, để chào mừng sự kiện thể thao lớn này.

Bà Trần Thu Dung đang làm việc trong căn hộ dành cho các nhà văn ở và sáng tác.

Bà Trần Thu Dung đang làm việc trong căn hộ dành cho các nhà văn ở và sáng tác.

Trên căn hộ nhỏ ở tầng áp mái của ngôi nhà Jules Roy, bà Trần Thu Dung, một nhà văn gốc Việt đang thả mình vào dòng suy tưởng. Căn hộ với ba bề là cửa sổ nhìn ra một thung lũng xanh mướt tận chân trời, một sân cỏ đầy hoa và nắng, cùng nhà thờ cổ kính, uy nghi, khiến bất kỳ ai ở đó cũng phải say mê đến độ “tức cảnh sinh tình”.

Bà Trần Thu Dung đã không giấu niềm vui và vinh dự được mời đến ngôi nhà này để sống và sáng tác. Bà chia sẻ : “Đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam được mời đến Trại viết văn Jules Roy, nhân dịp ngọn đuốc Olympic 2024 đi qua ngôi làng này, vốn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và cũng là một trong những làng đẹp nhất nước Pháp. Thực sự đây là một niềm vinh dự và tự hào cho người Việt mình”.

Một buổi vẽ chữ thư pháp được tổ chức ở tầng trệt của ngôi nhà, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa.

Một buổi vẽ chữ thư pháp được tổ chức ở tầng trệt của ngôi nhà, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa.

Trong thời gian ở Vézelay, bà Thu Dung không chỉ viết về ngôi làng và trại sáng tác, về Thế vận Olympic với sự tham dự của Việt Nam, mà còn vẽ rất nhiều bức tranh về cảnh đẹp của làng. Bà cũng dự định tìm hiểu để viết về nhà văn Jules Roy và mối liên hệ giữa ông với Việt Nam, thông qua các tác phẩm mà ông để lại.

Jules Roy (1907-2000) là nhà văn, nhà báo và cũng là quân nhân từng tham chiến tại Đông Dương với vai trò sĩ quan truyền thông. Sự tàn khốc của chiến tranh nơi miền viễn đông đã khiến ông thay đổi tư duy. Xin ra quân năm 1953 với quân hàm đại tá, ông trở về Pháp và viết nhiều tác phẩm về mặt trái của các cuộc chiến do đội quân viễn chinh Pháp tiến hành nơi thuộc địa, trong đó có nhiều tác phẩm viết về Việt Nam như Chiến trận Điện Biên Phủ (La bataille de Dien Bien Phu - NXB Albin Michel, 1963); Sông Hồng (Le fleuve Rouge - NXB Gallimard 1957) ; Trận chiến trên đồng lúa (La bataille dans la rizìere - NXB Gallimard, 1953); Những năm xé lòng (Les anneés déchirement- NXB Albin Michel 1998).

Có thể nói, với sự trải nghiệm của nhà văn gốc Việt Thu Dung, ngôi nhà của Jules Roy không chỉ là nơi tạo nên nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn thơ hội họa, mà còn là nơi kết nối quá khứ với hiện tại, từ Điện Biên Phủ 1954 đến Olympic 2024 và đây cũng là nơi kết nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam.

Tin, ảnh: Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/trai-sang-tac-jules-roy-noi-ra-doi-nhieu-tac-pham-van-hoc-phap-20240810175516357.htm
Zalo