'Trái ngọt' từ Chương trình MTQG tại Thượng Quan

Đường bê tông vượt núi lên các thôn vùng cao, nhà họp thôn rộng rãi, nước sinh hoạt tập trung chảy về từng hộ… Đó là những 'trái ngọt' mà đồng bào các DTTS ở các thôn vùng cao xã Thượng Quan (Ngân Sơn) được hưởng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

 Xe tải lên tận thôn Cốc Lùng mua nông sản cho bà con.

Xe tải lên tận thôn Cốc Lùng mua nông sản cho bà con.

Giấc mơ có thật

Gần 02 năm trước, trong ký ức của những cán bộ xã Thượng Quan (Ngân Sơn) mỗi lần lên thôn vùng cao Pác Đa, Cốc Lùng là hành trình gian nan và nguy hiểm. Không những đèo dốc cao lại toàn đường đất với những sống lưng trâu, ổ voi, vực thẳm thử thách người lái. Có tháng mưa nhiều, đồng bào Dao ở Cốc Lùng, Pác Đa gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Mọi thứ thay đổi khi Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ các thôn thuộc xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn có tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng (thuộc Chương trình MTQG) được triển khai từ năm 2023. Các hộ dân tình nguyện xin hiến đất để làm đường cho thấy tầm quan trọng và niềm mong mỏi của đồng bào nơi đây lớn lao đến chừng nào.

“Đi trên con đường khang trang, sạch đẹp, người Dao Cốc Lùng đều bảo nhau: Đó là giấc mơ có thật”, Trưởng thôn Cốc Lùng Triệu Văn Quan bày tỏ.

Không chỉ làm đường, các thôn trong dự án còn được hỗ trợ làm nhà văn hóa, xây dựng công trình nước sạch và được hỗ trợ thực hiện một số mô hình phát triển sản xuất. Được đầu tư về hạ tầng thiết yếu cùng với hỗ trợ các mô hình sản xuất bước đầu làm thay đổi diện mạo thôn quê vùng cao và tạo đà cho người dân vươn lên.

Tạo lực đẩy cho người dân vùng cao

Trong căn nhà nhỏ nằm cạnh đường, gia đình anh Bàn Văn Ân, thôn Cốc Lùng rộn ràng tiếng nói, cười của các thành viên. Nhà vừa mua được chiếc xe máy mới nên anh Ân thường xuyên lau rửa sạch sẽ.

“Bán được hơn 20 triệu đồng tiền cây nguyên liệu thuốc lá, vợ chồng tôi quyết định mua thêm chiếc xe máy. Trước đây, ra tới trung tâm xã phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, nay có xe mới, đường êm nên đi đâu cũng dễ dàng”, anh Ân vui vẻ chia sẻ.

Ngoài trồng thuốc lá, cấy lúa, gia đình anh Ân còn có xe chở thuê nông, lâm sản cho bà con. Anh tin cuộc sống của gia đình anh và bà con trong thôn ngày một đổi thay.

Không chỉ gia đình anh Ân cảm nhận được sự thay đổi mà những đổi thay có thể được minh chứng qua những số liệu cụ thể, mắt thấy, tai nghe. Trưởng thôn Cốc Lùng, anh Triệu Văn Quan dẫn chứng: Ngày trước, thu hoạch xong cây nguyên liệu thuốc lá bà con phải thuê xe tắc tơ chở xuống bán cho tư thương. Nay đường thuận lợi, tư thương đưa xe tải lên tận thôn thu mua nông sản cho bà con. Giá bán cao hơn, chi phí vận chuyển giảm, bà con thấy có lãi nhiều nên vụ thuốc lá vừa qua diện tích đạt 10ha, tăng 4ha so với niên vụ trước. Từ đầu năm đến nay có 03 hộ mua xe máy mới, một số hộ xây nhà kiên cố, sắm thêm máy móc nông nghiệp, có 03 hộ đã thoát nghèo.

“Tới đây khi có điện lưới quốc gia, kinh tế và đời sống của người dân Cốc Lùng sẽ tiếp đà đi lên”, Trưởng thôn Triệu Văn Quan tin tưởng.

 Người dân Cốc Lùng được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG.

Người dân Cốc Lùng được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG.

Đối với thôn vùng cao có 100% hộ nghèo như Pác Đa, niềm vui cũng hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân khi Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ các thôn thuộc xã Thượng Quan gần như hoàn thiện. Việc đi lại, vận chuyển nông, lâm sản và đưa đón con đi học của 30 hộ dân nơi đây đã không còn gian nan, vất vả như trước. Có đường bê tông, bà con trong thôn phấn khởi dự tính sẽ mở rộng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để cố gắng thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Thượng Quan, ông Chu Văn Hướng khẳng định: “Nếu không có Chương trình MTQG thì rất khó để địa phương bố trí làm hơn 10km đường lên các thôn vùng cao Cốc Lùng, Pác Đa vì suất đầu tư rất lớn. Thành quả bước đầu của dự án đã đem lại những đổi thay tích cực cho người dân, hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới”./.

Xuân Nghiệp - Kim Chi

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/trai-ngot-tu-chuong-trinh-mtqg-tai-thuong-quan-post65486.html
Zalo