Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Cho ý kiến về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá đầy đủ các tác động của thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo Luật liên quan đến việc lập xác nhận phiếu kiểm soát mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; vấn đề tái xuất, tiêu hủy hóa chất cấm đã sản xuất hoặc nhập khẩu mà không sử dụng hết… nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Vẫn còn chồng chéo

Quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với các luật có liên quan, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ đã có báo cáo rà soát dự thảo Luật với 63 luật, bộ luật, các nghị quyết và điều ước quốc tế có liên quan, tuy nhiên, một số nội dung vẫn cần tiếp tục làm rõ thêm vì có sự chồng chéo, chưa phù hợp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn chứng, dự thảo Luật quy định định hướng phát triển các khu công nghiệp hóa chất chưa đồng bộ với quy định của Luật Quy hoạch, nhất là định hướng phát triển quy hoạch khu công nghiệp hóa chất với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Theo đó, dự thảo Luật quy định thời hạn, thời kỳ của chiến lược hóa chất 10 năm và tầm nhìn 10 năm tiếp theo còn Luật Quy hoạch lại quy định thời kỳ là 10 năm, tầm nhìn là từ 30 - 50 năm; đối với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh tầm nhìn là 20 - 30 năm.

Một dẫn chứng khác là quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất. "Song, trong giấy chứng nhận có những điều chưa phù hợp với Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư chưa có dịch vụ tồn trữ hóa chất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Hay tại Điều 3 dự thảo Luật xác định nguyên tắc: “quy định riêng đối tượng ưu đãi đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định của luật này, các vấn đề khác về trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, khi xem xét về các đối tượng đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thẳng thắn, dự thảo Luật không quy định cụ thể mà lại phân cấp cho Chính phủ, trong khi Luật Đầu tư lại quy định rất cụ thể.

"Nếu quy định đặc thù thì phải làm rõ tính hợp lý của quy định đặc thù về ưu đãi đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư trong lĩnh vực hóa chất".

Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý “dự thảo Luật quy định thực hiện theo Luật Đầu tư nhưng ở các điều khoản cụ thể trong luật vẫn có quy định riêng khác với Luật Đầu tư, như vậy dễ dẫn đến chồng chéo, sau này triển khai thực hiện không biết phải theo quy định của luật nào.

Hay Điều 64 dự thảo Luật quy định: tổ chức, cá nhân vận hành cơ sở vật chất có nghĩa vụ xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Cho rằng, quy định trên là cần thiết, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phải đặt trong tổng thể pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường đều quy định có kế hoạch phòng ngừa sự cố môi trường, kế hoạch phòng thủ dân sự.

“Nếu dự thảo Luật cũng đặt ra kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và xử lý sự cố hóa chất nhưng không đặt trong tổng thể với các sự cố liên quan, chúng ta sẽ đặt thêm nghĩa vụ và gánh nặng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất".

Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chứng, sự cố hóa chất trong rất nhiều trường hợp sẽ dẫn đến sự cố môi trường, sự cố môi trường ở mức độ thảm họa sẽ kích hoạt phòng thủ dân sự.

"Các cơ quan ban hành theo các luật khác nhau, không có kết nối đồng bộ thì việc huy động lực lượng, chỉ đạo, điều hành, khắc phục sự cố, huy động nguồn lực sẽ vướng mắc, không biết ai chỉ đạo cả”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.

Bảo đảm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo Luật.

 Quang cảnh Phiên thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể là các quy định liên quan đến: lập xác nhận phiếu kiểm soát mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt; vấn đề tái xuất, tiêu hủy hóa chất cấm đã sản xuất hoặc nhập khẩu mà không sử dụng hết, báo cáo liên quan đến hóa chất mới, xử lý chất độc tồn dư của chiến tranh…

Qua đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng; đồng thời bảo đảm sự đồng bộ với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ quản lý nhà nước về hóa chất.

Liên quan đến phân định quản lý nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, dự thảo Luật vẫn tiếp cận theo "một cách chưa mới. Chúng ta quy định rất cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của 8 bộ, nhưng lại vừa thừa, vừa trùng lặp với quy định của các luật có liên quan, thậm chí một số chỗ vẫn thiếu và chưa đồng bộ".

Đơn cử, liên quan đến vận chuyển hóa chất nguy hiểm đã giao cho Bộ Giao thông – Vận tải quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhưng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định an toàn trong vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, trong đó có hóa chất nguy hại liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an.

"Nếu dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải thì lại thiếu và vênh với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, cũng cần rà soát lại. Không nên quy định cụ thể, trừ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương là Bộ được phân công giúp Chính phủ quản lý nhà nước, còn lại các bộ khác sẽ do Chính phủ phân công theo đúng thẩm quyền của Chính phủ", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Nhấn mạnh dự thảo Luật quy định về phân công quản lý nhà nước còn quá rườm rà, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quy định về trách nhiệm của các bộ còn trùng lặp, không bảo đảm rõ trách nhiệm, có thể gây vướng mắc trong triển khai tổ chức thực hiện. "Do vậy, cần nghiên cứu theo hướng đổi mới công tác xây dựng pháp luật, chỉ quy định giao Chính phủ để linh hoạt trong triển khai tổ chức thực hiện".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của dự thảo Luật với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dược, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Quản lý ngoại thương…

"Cần cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn. Rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành, đảm bảo khả thi, không xảy ra vướng mắc khi áp dụng; đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng luật và không đi vào vấn đề chi tiết của các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành đã quy định ở các luật khác", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-post390277.html
Zalo