Trái ngọt trên vùng đất khó

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, tỉnh Điện Biên có điều kiện thuận lợi phát triển cây ăn quả. Đặc biệt, mùa đông không kéo dài, không có mưa phùn và thường kết thúc sớm; trong năm có cường độ ánh sáng lớn giúp cây trồng ra hoa, đậu quả thuận lợi.

Trên những vùng đất khó, cây dứa Queen, Cayen; xoài Đài Loan, xoài Thái; mít Thái; bưởi da xanh, bưởi diễn; cam Vinh, cam V2 đã và đang vươn mình kết trái ngọt, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Chị Quàng Thị Mai, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo thu hoạch cam.

Chị Quàng Thị Mai, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo thu hoạch cam.

Thời điểm này, vườn cam của gia đình chị Quàng Thị Mai, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo đã bước vào vụ thu hoạch. Nhìn những trái cam vàng mọng, trĩu trịt trên cành, ai nấy đều bất ngờ bởi sau 7 năm chăm bón, cây cam trồng vùng đất dốc, khô cằn ngày nào đã “nở hoa kết trái”.

Được tham quan, học hỏi nhiều mô hình phát triển kinh tế và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chị Mai mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với quyết định mua 500 cây giống cam Vinh về trồng trên diện tích 1ha vườn đồi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Mời chúng tôi thưởng thức những trái cam căng mọng ngay tại vườn, chị Mai vui vẻ nói: "Đối với vùng đất dốc, khô cằn việc trồng cây ăn quả khó khăn gấp nhiều lần so với vùng thấp. Tôi phải dẫn nước từ chân đồi lên, tưới ẩm cho cây; thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa, diệt sâu bọ bằng phương pháp thủ công".

Đến nay, với 220 cây cam, mỗi cây cho thu hoạch khoảng 40kg quả, giá bán 20-30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình chị Mai có nguồn thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm. Sườn đồi trước kia bạt ngàn cỏ dại nay đã nhường chỗ cho vườn cam trĩu quả.

Tương tự, những khu vườn cây trái cho thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm ngày càng lan rộng tới vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, mang lại sự đổi thay cho vùng đất khó!

Người dân xã Sa Lông, huyện Mường Chà trồng cây dứa Queen.

Người dân xã Sa Lông, huyện Mường Chà trồng cây dứa Queen.

Cây dứa Queen sau khi bén rễ ở huyện Mường Chà đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cây dứa Queen phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn huyện nên cho quả ngọt, thơm dịu. Giống dứa nữ hoàng này được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Cây dứa chịu được bóng râm nên có thể trồng xen kẽ dưới tán cây cao su để nâng cao thu nhập.

Anh Cháng A Ly, bản 36, xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: "Tôi luôn tuân thủ kỹ thuật trồng dứa trên đất dốc, các hàng dứa được trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn. Đặc biệt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng quả dứa… So với cây ngô, lúa, đậu tương, cây dứa đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc".

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Chà, cây dứa trồng chủ yếu tại 3 xã: Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Đầu vụ, giá dứa dao động từ 7 - 8 nghìn đồng/kg. Với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha mang lại thu nhập cho người trồng dứa từ 50 - 60 triệu đồng. Nhờ trồng cây dứa Queen, nhiều hộ nghèo của huyện đã thoát nghèo và trở thành hộ làm kinh tế khá, giỏi.

Thời gian qua, tỉnh ta đã lồng ghép các nguồn vốn Trung ương và địa phương để thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Nhiều dự án, mô hình phát triển tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mặc dù trồng trên đất dốc song cây cam Vinh cho quả vàng mọng.

Mặc dù trồng trên đất dốc song cây cam Vinh cho quả vàng mọng.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 17 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cây ăn quả. Trong đó, 5 dự án cây ăn quả có múi, với tổng diện tích 342,84ha, tại các huyện: Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ. Ngoài ra, để việc sản xuất giống trên địa bàn được chủ động và đúng quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nộp hồ sơ xin công nhận đặc cách giống cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã làm thủ tục công nhận vườn cây đầu dòng để làm nguồn nhân giống, chủ động cung ứng giống cho sản xuất.

Năm 2022, Cục Trồng trọt đã cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng cho 2 giống dứa: Cayen Pu Lau và Queen Điện Biên. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản cho phép các công ty, hợp tác xã khai thác, sản xuất, kinh doanh giống. Đây là căn cứ để các hợp tác xã lưu giữ, sản xuất, kinh doanh giống dứa đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ phát triển cây dứa trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2024, Sở cấp quyết định công nhận vườn cây đầu dòng giống mít siêu sớm TL1 và giống vú sữa HK2 cho Công ty Cổ phần Đầu tư rau quả Việt Nam… Qua đó góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn kết sản xuất - chế biến - bảo quản - thị trường tiêu thụ; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Đức Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/trai-ngot-tren-vung-dat-kho
Zalo