Trải nghiệm tết cổ truyền trong trường học

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhằm giúp học sinh có thêm không gian trải nghiệm về ngày Tết Cổ truyền của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn TP Đà Lạt đã tổ chức các hoạt động: Gian hàng trang trí Tết, phiên chợ Tết, các trò chơi dân gian… Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà còn giáo dục cho học sinh nét đẹp truyền thống, văn hóa Tết Cổ truyền của dân tộc.

Học sinh trải nghiệm gói bánh chưng

Học sinh trải nghiệm gói bánh chưng

Gần 1.000 học sinh Trường Tiểu học Phan Như Thạch được trải nghiệm các hoạt động của Tết Cổ truyền ngay trong trường học. Với chủ đề “Tết Cổ truyền dân tộc”, các hoạt động trải nghiệm nhằm giúp các em học sinh mở rộng hiểu biết, học hỏi, khám phá, để từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy tốt hơn những giá trị tốt đẹp trong Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tại chương trình, các em học sinh được hòa mình vào không khí Tết Cổ truyền của dân tộc. Đặc biệt, các em được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa trong ngày Tết như: gói bánh chưng; làm bao lì xì; làm tranh Đông Hồ; tham gia phiên chợ quê ngày Tết…

Tham gia chương trình bắt cá

Tham gia chương trình bắt cá

Lần đầu tiên tự tay gói bánh chưng, em Nguyễn Thanh An - học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Phan Như Thạch chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tự tay gói được 1 chiếc bánh chưng, em cảm thấy rất vui. Tại buổi ngoại khóa chúng em được tìm hiểu các phong tục đón Tết Cổ truyền, giúp chúng em biết thêm về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết và thêm yêu quý quê hương Việt Nam”.Cùng với đó, các em học sinh còn được tham gia tìm hiểu về gốm Bát Tràng và tự tay tạo ra một sản phẩm gốm. Các em cũng được tham gia trải nghiệm hoạt động sàng gạo, giã gạo gắn liền với đời sống nông nghiệp của người Việt từ xưa đến nay. Bên cạnh đó, các em học sinh được tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố…; tham gia chương trình bắt cá, tìm hiểu về loại cá quen thuộc. Các em còn được giao lưu văn nghệ với những bài ca tiếng hát về mùa xuân…

Tham gia hoạt động giã gạo

Tham gia hoạt động giã gạo

Cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Như Thạch cho biết: “Thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng như Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm để học sinh tìm hiểu về truyền thống ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Thông qua hoạt động này nhằm giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt về ý nghĩa của Tết Cổ truyền, qua đó giáo dục các con phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam. Đồng thời tạo sân chơi để các con được hòa mình trong môi trường học tập, vui chơi giải trí lành mạnh và đoàn kết”.

Các em học sinh trải nghiệm làm bao lì xì

Các em học sinh trải nghiệm làm bao lì xì

Hòa chung không khí rộn ràng của mùa xuân mới, Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du vừa tổ chức Chương trình "Hội chợ Xuân - Tết cổ truyền". Tại các gian hàng của 62 lớp được chuẩn bị công phu với những món ăn, đồ uống và sản phẩm sáng tạo, mang đậm nét đặc trưng của ngày Tết Cổ truyền, các em học sinh đã thể hiện sự năng động, khéo léo và khả năng sáng tạo qua từng gian hàng. Chương trình hội chợ còn được khuấy động bởi các tiết mục văn nghệ chào xuân đặc sắc, tạo không khí vui tươi và ấm áp cho ngày hội. Thông qua hội chợ, tinh thần sẻ chia và lòng nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ, toàn bộ số tiền thu được từ các gian hàng với hơn 100 triệu đồng đã được ủng hộ cho Gian hàng 0 đồng để trang bị quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… Đây là món quà ý nghĩa dành tặng những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" của tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Nguyễn Du.

Trải nghiệm làm gốm Bát Tràng

Trải nghiệm làm gốm Bát Tràng

Thầy Võ Ngọc Hưởng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Hội chợ Xuân không chỉ là dịp để ôn lại các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là cơ hội giúp các em học sinh rèn luyện sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái. Thông qua hội chợ, mỗi học sinh sẽ học được cách sẻ chia, cùng nhau xây dựng một cộng đồng gắn kết và giàu yêu thương”.

Trải nghiệm làm tranh Đông Hồ

Trải nghiệm làm tranh Đông Hồ

Còn ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Thăng Long, Chương trình “Chung tay đón Tết - Ấm áp Nắng hoa niên” đã được nhà trường ươm mầm và nuôi dưỡng qua hơn 1 thập kỷ với tinh thần “Tương thân tương ái”. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Đấu giá vật phẩm thủ công do chính các em học sinh tự tay làm ra; hội chợ ẩm thực với những món ăn đậm đà hương vị Tết; gian hàng trò chơi dân gian; gian hàng sản phẩm handmade, sản phẩm Chung tay đón Tết… Toàn bộ số tiền từ đấu giá sản phẩm và hội chợ được trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những món quà không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là những thông điệp yêu thương, là nguồn động viên sâu sắc để mang đến một mùa xuân ấm áp, trọn vẹn.

Một mùa xuân mới đang về, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học triển khai một cách phù hợp, linh hoạt. Thông qua đó, học sinh mở rộng hiểu biết, học hỏi, khám phá để từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị tốt đẹp trong Tết Cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/trai-nghiem-tet-co-truyen-trong-truong-hoc-9d63d0d/
Zalo