Hiểu đúng về nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam

Cuốn sách 'Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ' cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng chính là một phương thức tu tâm mà người Việt đã thực hành qua hàng ngàn năm và sẽ không bao giờ mất đi.

Cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ" của tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành sẽ chính thức ra mắt vào ngày 24/1, tại Phố sách Hà Nội.

 Sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ” - Nguồn: Nhã Nam

Sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ” - Nguồn: Nhã Nam

Tín ngưỡng thờ cúng và các hình thức thực hành nghi lễ thờ cúng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập và củng cố nền tảng đạo đức xã hội và góp phần làm giàu nền văn hiến lâu đời của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền, vẫn tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu, ít nhiều còn rườm rà, nệ cổ hoặc mang màu sắc mê tín dị đoan...

Là một nhà nghiên cứu văn hóa trẻ và có nhiều năm hướng dẫn thực hành nghi lễ thờ cúng, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã tìm hiểu, ghi chép, miêu tả, hệ thống hóa và bước đầu phân tích hệ thống nghi lễ của người Việt để cho ra mắt tác phẩm “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ”.

Điểm đáng chú ý trong cuốn sách nằm ở việc giới thiệu, phân tích và hệ thống hóa một cách vừa có chiều sâu lý luận, vừa ngắn gọn, dễ hiểu những nét căn bản trong nghi lễ thờ cúng cổ truyền của người Việt.

Cuốn sách nêu những nét khái quát nhất về đặc điểm, tính chất của nghi lễ thờ cúng ở Việt Nam. Bên cạnh việc đưa ra định nghĩa, nguồn gốc, phân loại hoạt động thờ cúng, tác giả tổng kết những nguyên tắc, tính chất cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền.

Trong sách có những nội dung rất gần gũi, thiết thực đối với mọi người, mọi nhà. Chẳng hạn những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng gây không ít lúng túng với nhiều người: Thờ là gì? Cúng là gì? Cúng và thờ khác nhau thế nào? Một bài văn lễ cần đảm bảo những nội dung gì? Đồ lễ gồm những gì? Có thể cúng hoa khô, hoa giả được không? Nên dùng hoa gì để cúng lễ? Thắp hương nên thắp mấy nén? Đốt vàng mã sao cho đúng?

Các câu hỏi - đáp ngắn gọn nhưng đã làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về hoạt động thờ cúng trong mỗi nhà.

Cuốn sách “Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành nghi lễ” cho thấy, việc thờ cúng của người Việt bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng chính là một phương thức tu tâm mà người Việt đã thực hành hàng ngàn năm qua và sẽ không bao giờ mất đi.

Thông qua cuốn sách này, thế hệ trẻ có thể thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị thờ cúng cũng như những nghi lễ căn bản, từ đó tiếp nối việc thờ cúng, lễ bái của tổ tiên cho đúng đạo lý.

Tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà tốt nghiệp cử nhân văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Từ 1996 đến nay, anh tập trung nghiên cứu, thực hành nghi thức thờ cúng của người Việt, đồng thời là người hướng dẫn việc thờ cúng và các việc liên quan đời sống tâm linh.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hieu-dung-ve-nghi-le-tho-cung-co-truyen-viet-nam-post331628.html
Zalo