Trải nghiệm không gian tâm linh trong những ngày đầu xuân tại xứ Nghệ
Ngay từ những ngày đầu xuân, nhiều điểm du lịch tâm linh ở Nghệ An đã đón hàng nghìn du khách từ khắp nơi về chiêm bái và vãn cảnh, tạo nên không khí rộn ràng đầu năm.
Đi hành hương vào dịp đầu năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống của nhiều người Việt. Nghệ An có nhiều chùa chiền, nhiều lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh vừa có cảnh đẹp, trở thành điểm đến trong mùa du lịch hành hương năm nay, thu hút đông du khách khắp nơi về chiêm bái.
Với tâm lý mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe, cầu tài, cầu lộc đầu xuân, các điểm đến tâm linh gắn với danh lam thắng cảnh luôn có sức hấp dẫn du khách trải nghiệm như chùa Đại Tuệ (Nam Đàn), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Diệc, đền Quang Trung (TP Vinh), đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), đền Quả Sơn (Đô Lương)… là những điểm thường xuyên có đông du khách tham quan. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Đô Lương) cũng là điểm hành hương được nhiều du khách lựa chọn trong những ngày đầu năm.
![Du khách tấp nập đổ về chiêm bái Đền Ông Hoàng Mười.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_91_51438083/9e6b8663bd2d54730d3c.jpg)
Du khách tấp nập đổ về chiêm bái Đền Ông Hoàng Mười.
Điểm đến thu hút đông khách du lịch nhất tại Nghệ An trong dịp Tết Nguyên đán và xuân Ất Tỵ này là đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) là một trong những di tích thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái, cầu an, cầu lộc.
Chị Nguyễn Thị Cúc, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết du xuân lễ chùa luôn nằm trong kế hoạch đầu năm của gia đình. Mỗi năm, chị đều sắp xếp thời gian, vượt hàng trăm cây số vào Nghệ An dâng hương tại đền Ông Hoàng Mười. Với chị Cúc, đền Ông Hoàng Mười thực sự là điểm du lịch tâm linh lý tưởng, có phong cảnh đẹp, linh thiêng, người dân hồn hậu và mến khách. Điều đó đã tạo nên sức hút lớn đối với du khách gần, xa.
"Gia đình tôi đi chùa, đền không chỉ để cầu may mà còn muốn trải nghiệm văn hóa, kết hợp khám phá những điểm du lịch mới", chị Cúc chia sẻ.
![Khu vực viết sớ ở Đền Ông Hoàng Mười thu hút đông du khách.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_91_51438083/47895a8161cf8891d1de.jpg)
Khu vực viết sớ ở Đền Ông Hoàng Mười thu hút đông du khách.
"Khách thích kết hợp du lịch tâm linh, du xuân khám phá văn hóa địa phương" - anh Nguyễn Văn Sự, đại diện Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười nói về xu hướng du lịch đầu năm nay của du khách thập phương.
Anh Sự cho biết thêm, nhờ thời tiết thuận lợi, từ đêm Giao thừa đến ngày mùng 10 tháng Giêng (28/1-7/2), đã có hàng chục nghìn lượt người đến dâng hương. Riêng ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, trung bình mỗi ngày có 20.000 – 25.000 lượt người đến tham quan, chiêm bái.
Được xây dựng từ thời Trần, mở rộng vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu dưới triều Nguyễn, đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn bởi kiến trúc đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa phong cách nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Quần thể di tích gồm đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài, mỗi nơi mang một vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm.
Năm 1993, đền Cờn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; năm 2016, Lễ hội đền Cờn được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
![Việc các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong dịp đầu năm, cho thấy nhu cầu tìm về những giá trị văn hóa, tâm linh của người dân ngày càng tăng cao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_91_51438083/9e978f9fb4d15d8f04c0.jpg)
Việc các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong dịp đầu năm, cho thấy nhu cầu tìm về những giá trị văn hóa, tâm linh của người dân ngày càng tăng cao.
Mặc dù rất đông người dân, du khách đến lễ, nhưng công tác an ninh trật tự tại đây được tổ chức tốt, đảm bảo cho mọi người đến lễ bái được trang nghiêm. Đặc biệt, chuẩn bị cho lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21 tháng Giêng, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch phân luồng giao thông, phòng, chống cháy nổ, giúp người dân yên tâm du Xuân.
Việc các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong dịp đầu năm cho thấy nhu cầu tìm về những giá trị văn hóa, tâm linh của người dân ngày càng tăng cao. Đây cũng là dịp để quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh Nghệ Anh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thúy Hà, du khách đến từ Nam Định, cho biết: "Trước kia, tôi thường thích những đền, chùa thiêng ở gần để cầu nguyện đầu năm. Tuy nhiên, khi các con lớn hơn, tôi ưu tiên chọn những ngôi chùa mới, đẹp ở xa để kết hợp du xuân, vãn cảnh và cả nhà có ảnh đẹp mang về. Tôi nghĩ điều quan trọng vẫn là thành tâm và bản thân tự nỗ lực trong năm tới".
![Du khách nườm nượp chiêm bái Đền Ông Hoàng Mười.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_91_51438083/ef2bf823c36d2a33737c.jpg)
Du khách nườm nượp chiêm bái Đền Ông Hoàng Mười.
Ngay sau Tết, các công ty lữ hành đã đón lượng lớn khách du xuân, lễ chùa đầu năm. Các doanh nghiệp du lịch tại Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ tốt nhất cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ khách du lịch, trang trí khánh tiết tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch, tạo điểm nhấn thu hút khách; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho du khách.
Ban quản lý các đền, chùa ở Nghệ An cũng nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động tự do tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo. Không đặt tiền, cắm hương ở gốc cây, bỏ rác vào thùng và nơi quy định…
Một điều đáng ghi nhận nữa là hầu hết các đền, chùa, điểm di tích lịch sử, tình trạng du khách đặt tiền lẻ lên các ban thờ, tay Phật hay các gốc cây không còn xảy ra tràn lan, phổ biến như những năm trước. Phần lớn mọi người đã có ý thức cung tiến vào hòm công đức, thể hiện tính văn minh, lịch sự ở chốn linh thiêng và tôn nghiêm.
Theo Sở Du lịch Nghệ An, qua 9 ngày nghỉ lễ (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mồng 5 năm Ất Tỵ), toàn tỉnh đón khoảng 430.000 lượt khách tham quan, trong đó, khách có lưu trú đạt 138.000 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 479 tỷ đồng.