Trải nghiệm Dinh Độc Lập - nơi sắp diễn ra đại lễ 30/4 tại Tp.HCM
Dinh Độc Lập – còn được biết đến với tên gọi Hội trường Thống Nhất – là một chứng tích lịch sử, nơi ghi dấu thời khắc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam: Ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Dinh Độc Lập: Dấu ấn lịch sử giữa lòng Tp.HCM.
Thông tin với Người Đưa Tin, đại diện Hội trường Thống Nhất (đơn vị quản lý Dinh Độc Lập) cho biết, Dinh Độc Lập được xây dựng từ năm 1868 dưới thời Pháp thuộc với tên gọi ban đầu là Dinh Norodom.
Sau nhiều lần đổi chủ và cải tạo, công trình hiện tại được khởi công vào năm 1962 và hoàn thành năm 1966 dưới thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) danh giá.
Kiến trúc Dinh mang đậm nét văn hóa phương Đông nhưng vẫn hiện đại, bền vững theo thời gian. Tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 12ha, Dinh gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng hầm và sân thượng, nơi từng có bãi đáp trực thăng và đài quan sát.
Các phòng chức năng bên trong được bố trí linh hoạt, từ phòng họp, phòng trình quốc thư, hội trường lớn, cho đến phòng chiếu phim, hầm trú ẩn và đường dây liên lạc nội bộ.

Dinh Độc Lập được xem là biểu tượng văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh. Mang trong mình lối kiến trúc cổ trăm năm cùng giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Dinh thu hút không ít du khách trong nước và đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với khách du lịch nước ngoài.
Khi thiết kế Dinh Ðộc Lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương Đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.

Phía trước và sau lưng Dinh là khuôn viên sân cỏ oval rộng lớn. Với đa số các loại cây xanh độc lạ, quý hiếm. Thêm vào đó, còn có hồ sen hình bán nguyệt và hồ nước nhân tạo giúp điều hòa không khí và góp phần làm nên vẻ đẹp thơ mộng cho quang cảnh. Xa xa, ở phía trên gò đất góc trái Dinh Độc Lập Tp.HCM còn có một nhà chòi bát giác, được dùng làm nơi thư giãn, tạo cảm giác thoáng đãng và thanh bình cho du khách ngay khi bước vào cổng chính.

Đại diện Hội trường Thống Nhất (đơn vị quản lý Dinh Độc Lập) cho hay, sáng ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Quân Giải phóng đã húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên nóc Dinh, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chấm dứt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm. Sự kiện này đã đi vào sử sách như một trong những mốc son chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Dinh Độc Lập không chỉ là Di tích quốc gia đặc biệt mà còn là một điểm đến lịch sử – văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm, hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, học sinh – sinh viên tìm hiểu lịch sử, các nhà nghiên cứu đến tìm kiếm tư liệu và cảm hứng.

Sơ đồ Dinh Độc Lập

Bên trong Dinh Độc Lập gồm hai loại phòng chính, gồm các phòng: khánh tiết, đại yến, hội đồng an ninh, phòng làm việc quan chức chính phủ. Bên cạnh đó còn có khu vực phòng ngủ, khu sinh hoạt, khu giải trí,…

Các phòng chức năng bên trong được bố trí linh hoạt, từ phòng họp, phòng trình quốc thư, hội trường lớn, cho đến phòng chiếu phim, hầm trú ẩn và đường dây liên lạc nội bộ.


Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời. Đi vào bên trong Dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.


Khu vực tầng hầm Dinh Độc Lập có đầy đủ các phòng truyền tin, in ấn,… vẫn được bảo tồn hiện trạng nguyên vẹn.



Quang cảnh hiện tại của Dinh Độc Lập

Dù Tp.HCM ngày càng phát triển với những cao ốc chọc trời, hệ thống hạ tầng hiện đại và nhịp sống không ngừng chuyển động, Dinh Độc Lập vẫn trầm mặc, uy nghi giữa lòng Thành phố như một người gác cổng thời gian, nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh, mất mát để có được hòa bình.

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dinh Độc Lập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là một địa danh gắn với lịch sử, mà còn là nơi kết nối quá khứ với hiện tại, truyền cảm hứng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, trường tồn.

Bà Đoàn Thị Xí (70 tuổi, du khách Tp.Đà Nẵng) chia sẻ: "Trong ký ức của những người ở cùng độ tuổi với tôi, chiến tranh còn rõ rệt. Khi nghe tin giải phóng, đài phát thanh truyền tin quân dân ta đã treo được lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh, niềm hân hoan, bất ngờ, xen lẫn cùng những cảm xúc khó tả bằng lời. Nhân dân mình chờ đợi ngày đó đã rất lâu. Khi đứng ở Dinh ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn không thể quên đi cảm giác hạnh phúc vào ngày 30/04/1975".

Gia đình cô Nguyễn Thị Nam hào hứng tham quan Dinh Độc Lập những ngày cận kề lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất Đất nước.

Chị Thúy Trâm (27 tuổi, ngụ Hóc Môn, Tp.HCM) cho biết: "Tôi từng nghe rất nhiều về Dinh Độc Lập qua phim ảnh, tài liệu, nhưng tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được sự thiêng liêng của nơi này. Không gian, kiến trúc, những dấu tích chiến tranh… tất cả như một bảo tàng sống. Càng gần đến ngày 30/4, không khí ở đây càng trang nghiêm, xúc động. Đặc biệt, khi nhìn thấy nhiều cô chú, anh chị hay các bạn trẻ diện các trang phục truyền thống, quân phục,...cùng với Quốc kỳ, tôi càng cảm thấy úc động hơn".

Gia đình anh Lanh và chị Ngọc hào hứng chụp ảnh kỷ niệm trước cổng Dinh Độc Lập.