Trải nghiệm câu ốc móng tay trên biển Thụy Xuân, Thái Bình

Bãi biển xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gây ấn tượng với dải cát bồi nâu sậm, bằng phẳng và trải dài. Nơi đây là điểm đến quen thuộc của du khách muốn trải nghiệm câu ốc móng tay - nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương.

Theo người dân xã Thụy Xuân, ốc móng tay xuất hiện quanh năm trên bãi biển địa phương. Nhờ nguồn lợi tự nhiên dồi dào, nghề câu ốc đã trở thành sinh kế chính của nhiều hộ dân và phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Đoạn đường ra biển Thụy Xuân. Ảnh: Ngọc Lương

Đoạn đường ra biển Thụy Xuân. Ảnh: Ngọc Lương

Trung bình mỗi tháng, người làm nghề chỉ nghỉ khoảng 2–3 ngày, chủ yếu vào thời điểm con nước dâng cao khiến việc khai thác gặp khó khăn.

Từ lâu, nghề bắt ốc móng tay đã trở thành sinh kế của nhiều người dân địa phương. Ảnh: Ngọc Lương

Từ lâu, nghề bắt ốc móng tay đã trở thành sinh kế của nhiều người dân địa phương. Ảnh: Ngọc Lương

Nắm bắt nhu cầu trải nghiệm của du khách, một số người dân đã chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Chị Quyên, người có bốn năm làm dịch vụ cho thuê dụng cụ và phương tiện, cho biết bãi câu nằm cách bờ khoảng 3km.

Khi nước biển rút là thời điểm thuận lợi nhất để người dân bắt ốc móng tay. Ảnh: Ngọc Lương

Khi nước biển rút là thời điểm thuận lợi nhất để người dân bắt ốc móng tay. Ảnh: Ngọc Lương

Theo chị Quyên, du khách có thể chọn di chuyển bằng xe chuyên dụng với chi phí khoảng 80.000 đồng khứ hồi, hoặc đi bộ băng qua đoạn đường lầy và khu vực trồng cây chắn sóng như vẹt, bần – phần đê do chính người dân địa phương trồng và gìn giữ để bảo vệ bờ biển.

Người dân dùng một thanh sắt dài từ 35 - 40 cm để lôi ốc ra. Ảnh: Ngọc Lương

Người dân dùng một thanh sắt dài từ 35 - 40 cm để lôi ốc ra. Ảnh: Ngọc Lương

Phương pháp câu ốc tại đây vẫn được duy trì theo cách truyền thống. Người dân sử dụng thanh sắt dài khoảng 35cm, đầu có móc, dùng tay ấn xuống lớp cát tại những vị trí có dấu hiệu hình số 8 – nơi ốc móng tay thường trú ẩn.

Cách làm này vừa hiệu quả, vừa hạn chế tác động đến môi trường sống của các loài sinh vật khác, khác biệt so với hình thức đào cát phổ biến ở nhiều nơi.

Người dân tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống. Ảnh: Ngọc Lương

Người dân tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống. Ảnh: Ngọc Lương

Công việc thường bắt đầu từ 4:00–4:30 sáng, khi mực nước rút, bãi câu lộ rõ và lượng ốc xuất hiện nhiều hơn. Người làm nghề phải chuẩn bị sẵn đồ ăn như xôi, cơm nắm để tranh thủ dùng giữa buổi, bởi công việc thường kéo dài liên tục từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày.

Giá ốc móng tay dao động từ 60.000–80.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lương

Giá ốc móng tay dao động từ 60.000–80.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lương

Chị Tính, người có hơn 10 năm kinh nghiệm bắt ốc, chia sẻ rằng vào mùa cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 9), thu nhập từ nghề này có thể đạt 700.000–800.000 đồng mỗi ngày, tùy vào sản lượng và giá thị trường (dao động từ 60.000–80.000 đồng/kg).

Ốc móng tay có thể đem lại thu nhập ổn định cho những người dân tại nơi đây. Ảnh: Ngọc Lương

Ốc móng tay có thể đem lại thu nhập ổn định cho những người dân tại nơi đây. Ảnh: Ngọc Lương

Tuy nhiên, để duy trì công việc trong thời gian dài, người làm nghề cần có thể lực tốt, sự kiên trì và tỉ mỉ, bởi họ phải liên tục lặp lại những thao tác đơn giản nhưng tốn sức.

Du khách có thể trải nghiệm câu ốc móng tay. Ảnh: Ngọc Lương

Du khách có thể trải nghiệm câu ốc móng tay. Ảnh: Ngọc Lương

Vào dịp cuối tuần hoặc trong mùa Hè, nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm đến vùng biển Thái Bình để trải nghiệm hoạt động câu ốc. Chị Lập, một du khách từng sống tại vùng biển Đồng Châu (Tiền Hải), chia sẻ rằng trải nghiệm này khiến chị nhớ lại ký ức tuổi thơ, khi cùng bạn bè ra biển khai thác ốc.

Ốc móng tay dài chừng 5-7cm, được chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Ngọc Lương

Ốc móng tay dài chừng 5-7cm, được chế biến thành nhiều món ăn. Ảnh: Ngọc Lương

Ốc móng tay tự nhiên ở đây được đánh giá là giòn và ngọt hơn so với loại nuôi. Ngoài các món quen thuộc như chả, nem, xào với rau muống hay nấu miến, loại ốc này còn được dùng để chế biến thành gỏi – món đặc sản được nhiều du khách ưa chuộng khi đến với vùng biển này.

Ngọc Lương

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/trai-nghiem-cau-oc-mong-tay-tren-bien-thuy-xuan-thai-binh/
Zalo