Trái cây Việt - làm gì để chinh phục đỉnh cao mới?

Trước đây, mặt hàng rau quả và trái cây ít được coi trọng trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thế nhưng chỉ trong vòng thập kỷ qua, đặc biệt trong 5 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu trái cây liên tục tăng mạnh ở mức hai con số mỗi năm, đưa mặt hàng này vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2024, xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt 7,12 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là trái cây Việt sẽ cần phải làm gì để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế?

Chủ yếu xuất khẩu tươi, thô

Theo ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc là 1,269 triệu héc-ta, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích lớn nhất cả nước, chiếm 31,8%, tiếp đến là các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 271,9 nghìn héc-ta, chiếm 21,4% diện tích cây ăn quả toàn quốc.

Về chủng loại cây ăn quả của Việt Nam rất đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), tiếp đến là sầu riêng (11,8%), cây có múi gần 15%.

Trong những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc xuất khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và các quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã đàm phán, mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi, chanh...

 Thu hoạch cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Thu hoạch cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Hạn chế đối với trái cây Việt Nam hiện nay là rau quả xuất khẩu chủ yếu vẫn dưới dạng tươi, chưa qua chế biến hoặc sơ chế, tổn thất sau thu hoạch còn tới hơn 20%.

Theo PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Việt Nam có khoảng 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ. Tuy nhiên, việc chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm.

Là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn ở khu vực phía Bắc, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 16.000ha cây ăn quả các loại. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận việc phát triển cây ăn quả vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững trong thực hiện quy hoạch hay việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng còn chưa rõ nét vì sản phẩm vẫn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi, thô mà hạn chế lớn nhất, điểm nghẽn ở đây chính là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.

Tiềm năng vẫn còn rất lớn

Do chủ yếu xuất khẩu tươi, thô nên không chỉ khiến trái cây của chúng ta chưa phát huy được tối đa giá trị, hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra áp lực mùa vụ đối với người nông dân. Lúc thu hoạch chính vụ thì giá giảm mạnh. Thêm nữa, đối với trái cây tươi, thô sẽ phải đáp ứng các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, khử trùng, chiếu xạ rất gắt gao từ hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: Việt Nam xuất khẩu rau quả đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại rau quả, trái cây có nguồn gốc của Việt Nam, ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải, nhãn... Mỹ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng: Việt Nam với lợi thế có 7 vùng sinh thái nên rất thuận lợi cho việc phát triển, trồng các loại trái cây và rau quả. Tiềm năng, dư địa để Việt Nam xuất khẩu rau quả và trái cây sang các nước còn rất lớn. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Do đó, để tiếp tục chinh phục, mở rộng được thị trường xuất khẩu, tiêu thụ, trái cây và rau quả Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế với các chứng nhận: GlobalGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu), HACCP (hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đối với an toàn thực phẩm), SGS (dịch vụ kiểm định, xác minh, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn hàng đầu thế giới)...

Thu hoạch chôm chôm ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Thu hoạch chôm chôm ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Như vậy, để chinh phục đỉnh cao mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, đặc biệt là đạt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD trong thời gian tới, trái cây Việt Nam cần phải được đẩy mạnh đầu tư vào chế biến thay vì chủ yếu xuất khẩu thô như hiện nay; đồng thời, việc tiếp tục đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi chính đáng từ thị trường quốc tế thông qua các giấy chứng nhận: GlobalGAP, HACCP, SGS...; các quy định về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và chế biến, đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trai-cay-viet-lam-gi-de-chinh-phuc-dinh-cao-moi-817026
Zalo