Trách nhiệm bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trong đó quy định trách nhiệm, địa điểm quản lý, bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bảo dưỡng thường xuyên

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bảo dưỡng thường xuyên

Địa điểm quản lý, bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Dự thảo quy định, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật có trách nhiệm quản lý, bảo quản, bảo dưỡng để duy trì chất lượng, tính năng hoạt động của phương tiện, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Địa điểm quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là nhà, kho, bến, bãi, âu thuyền, bến cảng, trụ sở cơ quan hoặc địa điểm khác do người có thẩm quyền quyết định và phải bảo đảm điều kiện tương ứng theo quy định.

Nhà, kho, bãi để phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an ninh, trật tự, có hệ thống thiết bị chiếu sáng, được trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thông dụng và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Nhà, kho để phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là công trình xây dựng có mái che, tường bao quanh, bảo đảm khô ráo, thoáng khí, sạch sẽ;

b) Bãi để phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là nơi để phương tiện ngoài trời phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, có hệ thống hàng rào bảo vệ, bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng.

Bến, âu thuyền, bến cảng để phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an ninh, trật tự, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; đối với bến thủy nội địa ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trên phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.

Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, máy bơm chữa cháy phải được bố trí trong nhà; tàu, xuồng, ca nô chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bố trí tại bến bãi bảo đảm yêu cầu hoạt động của phương tiện. Các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khác phải được bố trí ở nơi đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này hoặc trong các khoang chứa phương tiện của xe chữa cháy, xe chuyên dùng và quản lý an toàn, bảo đảm trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa sử dụng phải được bảo quản trong kho hoặc nơi quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo quản đúng quy định theo từng chủng loại.

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bảo dưỡng thường xuyên

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, việc bảo quản, bảo dưỡng phải được thực hiện hằng ngày, trước, trong hoặc sau mỗi lần sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và do người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện.

Nội dung bảo quản, bảo dưỡng cụ thể đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại các Phụ lục IV, V, VI, VII, VII, VIII, IX, X kèm theo Thông tư này.

Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục XI kèm theo Thông tư này.

Bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Dự thảo quy định, bảo dưỡng định kỳ được thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý và hằng năm tại địa điểm quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ sở bảo dưỡng theo đúng quy định của nhà sản xuất, các bước trong quy trình bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phải do thợ máy, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn phù hợp đảm nhận.

Nội dung bảo quản, bảo dưỡng: Kiểm tra tình trạng kỹ thuật chung của phương tiện, tổ chức đánh giá chi tiết chất lượng phương tiện, áp dụng quy định của nhà sản xuất về cấp bảo dưỡng, sửa chữa và tình hình thực tế tại cơ sở để có phương án bảo quản, bảo dưỡng phù hợp đối với từng loại phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sau khi thực hiện bảo quản, bảo dưỡng định kỳ phải được người được giao quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đánh giá, xác nhận và ghi đầy đủ vào sổ theo dõi phương tiện theo Mẫu.

Trách nhiệm của người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Dự thảo đề xuất người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm:

Quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của nhà sản xuất và theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Thường xuyên kiểm tra nơi bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi bảo quản, bảo dưỡng không bảo đảm an toàn để báo cáo cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý có biện pháp xử lý, khắc phục.

Thống kê, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/trach-nhiem-bao-quan-phuong-tien-phong-chay-chua-chay-cuu-nan-cuu-ho-5035842.html
Zalo