Xác lập nguyên tắc quản lý kiến trúc
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội (quy chế) vừa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố là 'bộ nguyên tắc' để các địa phương, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý trong lĩnh vực kiến trúc. Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025, quy chế sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết những bất cập, đáp ứng công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại.
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có 4 chương, 17 điều và các phụ lục. Nội dung quy chế là các quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; quy định quản lý đối với các khu vực có yêu cầu đặc thù; định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan; yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc…; quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.
Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc tại khu vực nội đô lịch sử được xác định là: Trung tâm chính trị Ba Đình; di tích Hoàng Thành-Thăng Long; hồ Gươm và khu vực phụ cận; phố cổ Hà Nội; Khu vực phố cũ Hà Nội; hồ Tây và khu vực phụ cận…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 được phê duyệt là hai nội dung quan trọng và cần thiết để triển khai cụ thể hóa một số nội dung xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đó bao gồm tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án, chỉ tiêu, số liệu nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị để triển khai có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm và tuân thủ theo quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị, theo Luật Kiến trúc, Quy chế có vai trò quan trọng, là công cụ hữu hiệu để quản lý đồng bộ các giá trị quỹ kiến trúc, đồng thời phát huy hệ thống các giá trị này trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố Hà Nội chính là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, cấp phép xây dựng. Quy chế cũng là căn cứ lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, đồng thời là công cụ hữu hiệu để quản lý đồng bộ các giá trị quỹ kiến trúc, phát huy hệ thống các giá trị này trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, cảnh quan đô thị là vấn đề rất quan trọng đối với một đô thị lớn, có bề dày lịch sử như Hà Nội. Quy chế quản lý kiến trúc đã đề cập đến một số nội dung thiết yếu với cách tiếp cận khoa học, kế thừa và phát huy nhiều nội dung quy chế quản lý riêng với các khu vực văn hóa lịch sử đặc trưng như khu phố cổ, khu phố cũ.
Quy chế có định hướng về quản lý kiến trúc đối với khu vực phố cũ là bảo tồn và phát huy các công trình có giá trị, cải tạo không gian để tái cấu trúc không gian “thành phố vườn” đặc trưng, bảo tồn không gian trống lớp ngoài. Đối với các tuyến phố mang đặc trưng nhà phố, cải tạo không gian để tạo tuyến phố thương mại điển hình. Đối với các công trình cải tạo và xây dựng mới, quản lý kiến trúc theo thiết kế đô thị khu vực cụ thể và quy chế quản lý kiến trúc; khuyến khích khai thác không gian ngầm.
Với không gian nội đô hiện hữu, tăng cường cải tạo cảnh quan, kiến trúc công trình tại các khu vực có tính đặc trưng văn hóa như khu phố cổ, phố cũ, Hoàng Thành Thăng Long, Trung tâm chính trị Ba Đình… Thiết kế cải tạo chỉnh trang đô thị các trục tuyến phố quan trọng đặc trưng như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Lý Thường Kiệt, phố Trần Hưng Đạo.
Đồng thời quy chế cũng xác định việc bảo tồn phục dựng các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như trục văn hóa Điện Biên Phủ-Tràng Tiền-Nhà hát Lớn, trục tài chính-ngân hàng Ngô Quyền, trục thương mại dịch vụ Trần Quang Khải-ga Hà Nội. Việc chỉnh trang các trục cảnh quan thuộc không gian phố cũ, kết nối với không gian cảnh quan ngoài sông Hồng.
Đối với các khu vực giáp ranh nội thị và ngoại thị, chú trọng bảo vệ và phát huy các hình thái nông thôn truyền thống, cấu trúc làng xóm, kiến trúc cảnh quan của địa phương, quản lý kiểm soát bảo tồn tôn tạo và tái tạo các không gian văn hóa truyền thống, các công trình, cụm công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong quá trình thực hiện công tác quản lý kiến trúc, thành phố Hà Nội cần đánh giá, nhận diện để đưa các công trình cận đại và đương đại mang nhiều đặc trưng kiến trúc của đô thị vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị để được bảo tồn và phát huy các giá trị. Không chỉ kiến trúc Pháp ở Hà Nội, kiến trúc Nga với đặc trưng cấu trúc tiểu khu của một số khu tập thể cũ cũng được giới chuyên gia rất quan tâm bởi những dấu ấn, đặc thù riêng ■