Trà Vinh: Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP
Tỉnh Trà Vinh hiện có 184 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao đến 5 sao. Các sản phẩm OCOP tập trung nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và gắn kết với các nguyên liệu đặc trưng của từng địa phương. Thông qua các sản phẩm OCOP đạt được đã dần đưa người sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, manh mún hướng đến sản xuất theo chuỗi liên kết và nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu của hàng hóa nông sản. Ghi nhận tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, địa phương có các sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Từ một loại trái cây tưởng chừng ít được thị trường ưa chuộng khi bán chuối tươi, giá trị thu về cho người trồng không cao, bà Linh đã tích cực nghiên cứu cách sản xuất, chế biến chuối tá quạ thành các sản phẩm hấp dẫn hơn. Một trong những sản phẩm được bà đầu tư đó là mứt chuối tá quạ sấy khô. Hiện mỗi tháng bà Linh cung ứng cho thị trường trung bình khoảng 1.500 túi mứt. Riêng những dịp lễ tết tăng lên gấp đôi, gấp ba. Sau khi được công nhận OCOP 3 sao sản phẩm này đã đem lại giá trị gia tăng cao cho người trồng chuối trên địa bàn.
Theo bà Linh, quy trình làm mứt chuối được đánh giá khá kỳ công. Sau khi thu hoạch, chuối để héo tự nhiên khoảng 2-3 ngày cho tiện lột vỏ. Ruột chuối được bào thành lát, ngâm với nước chanh, sau đó đem chế biến. Sản phẩm của Hợp tác xã không dùng chất bảo quản, phụ gia để giữ nguyên vị ngọt thanh của chuối. Mứt chuối đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ và tiêu thụ khá chạy trên thị trường. Vì nguyên liệu và cái tên khá độc lạ nên mứt chuối tá quạ được nhiều người lựa chọn thưởng thức hoặc biếu tặng.
Là thế hệ thứ 2 trong gia đình khởi nghiệp từ dừa sáp, thời gian đầu, gia đình chị Hân là thương lái thu mua dừa sáp, sau đó cung cấp cho thị trường. Dần thấy được hiệu quả, gia đình chị quyết định đầu tư máy móc chế biến nhiều sản phẩm từ dừa sáp - đặc sản chỉ có riêng ở huyện Cầu Kè.
Huyện Cầu Kè hiện có 51 sản phẩm OCOP, trong đó có 39 sản phẩm đạt 3 sao, 8 sản phẩm đạt 4 sao; 4 sản phẩm có tiềm năng 5 sao và 1 sản phẩm 5 sao.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể thiết kế bao bì, nhãn mác và xây dựng câu chuyện sản phẩm; hỗ trợ máy móc, thiết bị, phục vụ sản xuất tạo sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, tại các điểm bán ở các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi năm có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt OCOP. Tất cả các sản phẩm đều được tham gia xúc tiến thương mại, tham gia sàn thương mại điện tử, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!