Trả món nợ với Củ Chi anh hùng, 'Địa đạo' đạt kỷ lục phòng vé
Theo thống kê của hệ thống Box Office Vietnam, tính đến sáng ngày 8/4, sau 4 ngày phát hành, bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' đã vượt mốc 81 tỷ (tính cả suất chiếu sớm), trở thành một trong những bộ phim lịch sử có doanh thu cao nhất mọi thời.

Cảnh trong phim "Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối". Ảnh: ĐPCC.
Kỷ lục phòng vé
Những ngày qua, bộ phim chiến tranh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trở thành chủ đề bàn luận trên truyền thông và khắp các diễn đàn mạng. Hình ảnh và trích đoạn phim được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Lời khen của giới chuyên môn cùng những khán giả đầu tiên xem phim giúp “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” trở thành bộ phim nóng nhất ngoài rạp với các suất chiếu áp đảo.
Tuy phải dừng chiếu 2 ngày 4 và 5/4 do quốc tang nhưng doanh thu từ các suất chiếu sớm và lượng vé đặt trước cùng doanh số ngày Chủ nhật 6/4 đã mang về cho “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” 45 tỷ đồng với gần nửa triệu vé bán ra và xấp xỉ 12 nghìn suất chiếu.
Tính cả doanh thu ngày Giỗ tổ 7/4 và vé đặt trước, bộ phim tính đến ngày 8/4 đã đạt 81 tỷ đồng. Với sức hút như hiện tại, không khó để bộ phim đạt mốc trăm tỷ và một số ý kiến đã dự đoán doanh thu bộ phim có thể lên đến mức 200 tỷ đồng. Nếu điều này là sự thực thì đó sẽ là một kỷ lục chưa từng có cho dòng phim chiến tranh Việt Nam.
Giới chuyên môn đồng loạt khen ngợi
Buổi tối hôm bộ phim ra mắt lần đầu ở Hà Nội, khi 128 phút phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã chiếu xong, tiếng vỗ tay vang dội. Trên sân khấu sau buổi chiếu, NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, xúc động ôm Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chúc mừng.
Với 128 phút của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, lần đầu tiên, cuộc chiến và đời sống thường nhật của những du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi được tái hiện một cách chân thực, sinh động. Nhiều nghệ sĩ và khách mời đã tới chúc mừng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ekip làm phim.
Ngay sau suất chiếu, dù đã muộn nhưng các nghệ sĩ đều nán lại để chia sẻ cảm xúc về bộ phim. Đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn của bộ phim“Đào, Phở và Piano” đã nói không chỉ người trẻ, mà người trung niên, người già cũng nên ra rạp xem “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Còn NSND Như Quỳnh, nữ diễn viên gạo cội của điện ảnh cách mạng Việt Nam cảm ơn ê-kíp vì đã mang tới một câu chuyện mà sau khi xem xong bà vẫn xúc động và cảm nhận thật sự tự do quý giá thế nào.
Trang cá nhân của nhiều người trong giới chuyên môn ngay sau đó đã dành những lời khen ngợi đặc biệt cho bộ phim. Cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm gọi “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là một “chiến thắng” quan trọng khi đưa dòng phim lịch sử, chiến tranh trở lại bằng một bộ phim chiến tranh xứng tầm. Nhà báo Lê Hồng Lâm cho rằng khi lục lại kho phim của điện ảnh Việt Nam, thực sự chúng ta có những bộ phim chiến tranh đáng tự hào, như “Mùa gió chướng”,“Cánh đồng hoang”,“Nổi gió”,“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”,“Em bé Hà Nội”,“Biệt động Sài Gòn”… Những bộ phim chiến tranh ấy một thời từng nắm giữ vai trò chủ lực của điện ảnh Việt Nam, nhưng sau này do chất lượng phim đi xuống, nhắc đến phim chiến tranh người ta hay gọi là “phim cúng cụ”. Với“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, Bùi Thạc Chuyên đã phá vỡ được định kiến “phim cúng cụ”.
Trả món nợ cho đất thép Củ Chi anh hùng
"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Thông qua tác phẩm, đạo diễn vẽ lại bức tranh khốc liệt vương mùi khói đạn để gửi đến thế hệ trẻ một lát cắt của "thành đồng đất thép" và cũng thay thế hệ trẻ gửi lại quá khứ anh hùng câu trả lời cho những kỳ vọng: "Hòa bình có đẹp không?”.
Phim có sự góp mặt của diễn viên Thái Hòa, NSƯT Cao Minh và các diễn viên điện ảnh trẻ có nghề như Quang Tuấn, Hồ Thu Anh... Để có một bộ phim về cuộc chiến lôi cuốn phản ánh được tinh thần hi sinh, sự gan dạ quả cảm của những du kích Củ Chi ở thời điểm khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam, các diễn viên đã rất nhập vai ở mức xả thân với tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống cách mạng kiên trung.
Bộ phim được hoàn thành sau 12 tháng khởi quay và 12 tháng chuẩn bị trước đó. Đồng thời, êkip cũng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu nhằm tạo nên một lòng địa đạo tại hai phim trường lớn để có thể quay được những cảnh phim diễn tả được cảnh sinh hoạt đời thường và những pha chiến đấu gay cấn, sinh tử của những du kích Củ Chi.
128 phút của bộ phim đem đến cho khán giả những cảm xúc được đẩy đến mức nghẹt thở bởi hình ảnh bi hùng, những khoảnh khắc sinh tử của những du kích Củ Chi với kẻ địch mạnh hơn mình gấp bội. Đan xen là những chi tiết sinh hoạt đời thường sinh động, chân thực của họ dưới lòng địa đạo mà rất nhiều người dù trải qua chiến tranh cũng không thể hình dung.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trả lời báo chí cho biết: câu chuyện Củ Chi rất đặc biệt, có giá trị lớn, thể hiện rõ tinh thần người Việt Nam trong chiến tranh. Anh ví vùng đất này như một "mỏ vàng" - càng để lâu càng quý - khác với những kịch bản khác mà anh từng mất hứng thú sau một thời gian.
Đó là lý do Bùi Thạc Chuyên kiên trì theo đuổi dự án này, dù biết rằng đề tài lịch sử vốn từng nhận những "đao búa" từ khán giả và giới phê bình phim. "Nếu chính tôi không mê, không "phát điên" vì nó thì đừng mong và hy vọng khán giả cũng sẽ thích - đó là nguyên tắc làm phim của tôi", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.
Được biết, kịch bản phim được đạo diễn viết từ năm 2014, đến năm 2026 thì hoàn thành. Năm 2019, dự án từng được lên kế hoạch quay tại nước ngoài với vốn từ một công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kế hoạch này đã bị trì hoãn. Đến năm 2022, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên quyết định quay phim tại Việt Nam, bởi anh cảm thấy "nợ Củ Chi, nợ những anh hùng đã hy sinh". Anh muốn tự tay kể câu chuyện này trên chính mảnh đất quê hương đã sinh ra nó, vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Và đúng hẹn “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã ra mắt, trả món nợ với Củ Chi anh hùng và là bộ phim về chiến tranh của Việt Nam duy nhất cho đến thời điểm này không được làm bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn do tư nhân sản xuất.
Hòa bình có đẹp không?
Có một dạo người trẻ Việt đã hỏi nhau như thế, tạo thành một xu hướng trên các diễn đàn mạng xã hội. Tuy nhiên, ngày hôm đó, tôi tận tai nghe được từ một bạn nam, sinh năm 2000, đã nghẹn ngào cất tiếng nói của thế hệ GenZ. Với bạn, sau những thước phim đen đặc trong hầm tối, sau những gương mặt lấm lem cát đất và ám mùi khói súng đó là ánh mắt đẹp đầy hy vọng của các cô du kích trẻ Út Khờ nhìn về mặt trời chói lọi trên quê hương; là nụ cười thật đẹp của tình yêu đầy lãng mạn giữa anh chàng Tư Đạp và cô chiến sĩ trẻ Ba Hương; đó còn là khuôn miệng thật đẹp của cô du kích con gái Bảy Theo khi trả lời cha nhất quyết bám địa đạo không rời đi khi địch tăng cường càn quét…
Hòa bình đẹp không phải bởi sau 50 năm chúng ta có những tòa nhà cao ngút trời, có tuyến Metro nối liền thành phố, có những cây cầu nối hai bờ con sông, có những cao tốc thênh thang nối những vùng miền… Hòa bình đẹp bởi Tổ quốc này luôn có những người trẻ dùng thanh xuân mình để nhuộm xanh đất nước.
(Nhà văn Tống Phước Bảo)