Trả giá vì nuông chiều con
'Người chạy lại' phải thực sự quay đầu, quay về với chính mình, quay về với lối sống thiện lành, quay về với đạo lý. Nếu không, thì dù có bao nhiêu lần trở về, cũng chỉ là những cuộc viễn du tạm bợ của một đời mê mờ không lối thoát.
Sáng sớm một ngày đầu tháng 04/2025, khi đồng hồ vừa điểm bốn tiếng chuông, ngoài trời thì vẫn tối đen, bà Hà đã lục cục trở giấc. Bà mở tủ lạnh lấy miếng thịt lợn rừng để rã đông, mà bà để dành trong ngăn đá tủ lạnh từ dịp Tết Ất Tỵ, với ý định chờ đứa con trai của bà mãn hạn cai nghiện về sẽ bỏ ra để làm “tiệc”. Thấy vậy, chồng bà, ông Tấn, vội bảo:
- Làm gì mà bà phải dậy sớm thế! Hôm nay con trai út trở về có khác, sửa soạn nấu cơm làm tiệc sớm thế...
- Thì như tôi đã trình bày với ông từ hôm qua rồi còn gì, bà Hà nói với chồng, nó đi cai nghiện bốn năm, nay mãn hạn trở về, thì cũng phải làm mâm cơm, trước là cúng ông bà tiên tổ, sau thì cả gia đình họp mặt ăn uống cho con nó vui chứ. Mà người ta nói rồi, đánh kẻ chạy đi, ai đời đánh người chạy lại, khi nó đã ăn năn, quyết chí cai nghiện làm lại cuộc đời thì mình cũng phải mừng cho con nó chứ...
- Ôi giời, ông Tấn thở dài, “còn bà, còn tôi đấy”, tôi đảm bảo với bà rằng thằng út chỉ có “lên nóc tủ” mới không nghiện nữa, chứ cứ cái kiểu giáo dục nuông chiều quá, không thể chấp nhận được giống như bà xưa nay, thì chỉ dăm bữa nửa tháng rồi đâu lại vào đó cho mà xem...

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Chuyện làm tiệc cỗ để đón con trai đi cai nghiện về đã là một đề tài tranh luận gay gắt giữa hai vợ chồng, bởi trong lúc ông Tấn nhất quyết phản đối, khi ông nghĩ có làm cỗ, làm tiệc như vậy dân làng người ta chê cười vào mặt cho, vì con đi cai nghiện chứ đi tây đi tàu về đâu mà hoành tráng... Vậy, nhưng bà Hà luôn bảo vệ quan điểm là phải làm tiệc. Vì không muốn to chuyện cãi vã, nên ông Tấn đành để vợ muốn làm thế nào thì làm. Còn cái chuyện đón cậu út từ trại cai nghiện ở trung tâm huyện, cách nhà chừng hơn chục km, bà Hà cũng lên kế hoạch thuê một chuyến taxi. Nghe thấy bà nói vậy, ông Tấn gạt phăng đi với vẻ dứt khoát:
- Chuyện bà làm cơm, làm cỗ đãi con tôi đã chiều lòng bà, riêng cái chuyện bà thuê taxi đón nó là không được. Một là bảo nó đi xe ôm về, hai là bảo thằng con rể vào đón..., chứ làm gì phải vẽ sự như thế...
Thấy chồng nổi nóng, bà Hà đành dằn lòng, bởi bà biết nếu cuộc tranh luận lên tới đỉnh điểm, không bên nào chịu bên nào sẽ kinh động... điếc tai hàng xóm, vì thế bà phải bỏ kế hoạch thuê taxi, mà chuyển qua phương án sai con rể đi đón con trai út.
Là người sống kế bên, tôi thấy vợ chồng ông Tấn, bà Hà quá khổ vì thằng con trai út dính vào nghiện hút. Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, mà hàng tháng bà Hà vẫn phải gom tiền vào trại cai nghiện để thăm nuôi thằng con út. Không chỉ bốn năm của đợt cai nghiện lần này, mà trước đó đã hai lần con bà đi cai nghiện, với mỗi đợt hai năm, vậy mà thằng con trai bà vẫn chẳng dứt được cơn nghiện. Lần này, nghe ông bà nói cu cậu quyết tâm lắm, nhưng chẳng biết thế nào, bởi thực tế có rất ít những người nghiện dứt bỏ được, mà việc tái nghiện chỉ là vấn đề thời gian nhanh hay chóng mà thôi!

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Việc thằng Nam, con ông Tấn bà Hà sa đà vào nghiện hút, tôi thấy công tâm mà nói cũng do chính cách giáo dục của bà Hà mà ra, bởi bà luôn tỏ ra nuông chiếu con quá quắt, đến nỗi ông Tấn chồng bà nhiều khi còn không thể chấp nhận được.
Ngay từ khi cu cậu mới học cấp 2, nó thường xuyên theo bè bạn bỏ nhà đi bụi qua đêm, vậy mà bà cũng không la mắng hay trách móc.
Thậm chí, chồng bà cầm roi đánh con về tội tày đình ấy, bà cũng xấn xổ vào bênh vực, bao che. Rồi thì, thằng con muốn gì được nấy, khi nó yêu cầu bà mua quần áo, mua xe máy... bà cũng đều đáp ứng.
Ngay như việc xin tiền hàng ngày để tiêu vặt, hay tiền đóng học phí ở trường, bà cũng chẳng bao giờ kiểm duyệt xem những đồng tiền ấy con tiêu pha có hợp lý, chính đáng không(?!) Chính vì được nuông chiều như vậy nên thằng con bà tiêu tiền bạt mạng, cứ hết là lại về vòi vĩnh mẹ. Có khi, vì muốn “hợp thức hóa” việc xin tiền quá nhiều, cu cậu còn nghĩ ra các chiêu nói dối rất vô lý mà bà Hà vẫn đáp ứng đầy đủ... Ngay như chuyện lúc thằng Nam mới bập bẹ dính vào nghiện, nó thường xuyên chơi bời tụ tập với mấy con nghiện trong xóm, làng và được những người hàng xóm rỉ tai “cảnh báo”, nhưng bà Hà cũng gạt phăng đi bảo: “Tôi đẻ ra nó tôi biết chứ! Thằng Nam không đời nào dính vào nghiện đâu, kể cả nó có chơi cùng mấy đứa đó. Các ông các bà cứ yên tâm đi, tôi thấy nó còn chưa hút thuốc lá, huống gì là nghiện được...”.
Rồi tới khi thằng Nam dính sâu vào nghiện hút, một lần bị công an bắt trong lúc đang tổ chức hút hít thì bà mới ngã ngửa. Những lần bỏ tiền ra đi tiếp tế thăm nuôi con, dẫu tốn kém, khổ cực là vậy nhưng bà Hà đâu có dám hé răng kêu than nửa lời với xóm giềng. Thậm chí, với ông Tấn chồng bà thì bà cũng không dám kể lể, than vãn, nếu mở miệng là chồng bà sẽ chửi, bởi chính sự nuông chiều quá quắt của bà là nguyên nhân dẫn thằng con trai út hư hỏng, nghiện ngập.
Lần này, khi đứa con trai đi cai nghiện về chưa đầy một tuần, bà Hà đã đi bán ngay đôi bông tai hai chỉ vàng 9999, cộng thêm tiền bán con bò choai để mua cho thằng Nam chiếc xe gắn máy. Thấy bà làm vậy, không chỉ ông Tấn không đồng ý, mà các con trai, gái, dâu, rể đều phản đối ra mặt. Tất cả mọi người đều góp ý với bà rằng, việc bà chiều chuộng mua xe máy mấy chục triệu như thế chả khác nào “nối giáo cho giặc”, để nó lấy phương tiện đi chơi, mà trước tiên là phải tìm một công việc để nó không có thời gian giao du với bạn xấu, như thế mới tránh được việc tái nghiện...
Thế nhưng, vẫn ý tưởng bảo thù và chiều con, bà Hà bao biện: “Nó đã thề rồi, nó quyết tâm lắm và lần này sẽ không nghiện hút nữa...”. Nghe bà nói vậy, mọi người trong gia đình đều chán ngán, bởi cách giáo dục của bà như vậy thì con không hư hỏng, không tái nghiện lại mới là lạ...
Câu chuyện của gia đình ông Tấn bà Hà, nhìn từ góc độ Phật giáo, là bài học thấm thía về “ái dục” và “si mê”. Tình thương nếu thiếu trí tuệ thì dễ trở thành xiềng xích, trói buộc cả người thân lẫn chính bản thân mình.
Bà Hà thương con là điều tự nhiên, nhưng thương mà không tỉnh, yêu mà không dạy, thì vô tình biến mình thành người tiếp tay cho cái khổ tiếp diễn.
Đức Phật từng dạy: “Không có kẻ thù nào nguy hiểm bằng si mê. Không có ngục tù nào khổ bằng những ràng buộc từ tâm không tỉnh thức”. Lòng từ bi không có nghĩa là bao che, dung dưỡng cái sai. Mà chính là biết nhìn thẳng vào sự thật, hướng người mình thương về con đường thiện lành, biết dừng lại, biết sửa đổi và biết học cách buông tay đúng lúc.
Có thể bà Hà đúng ở điểm: “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Nhưng cũng cần nhớ thêm rằng: “Người chạy lại” phải thực sự quay đầu, quay về với chính mình, quay về với lối sống thiện lành, quay về với đạo lý. Nếu không, thì dù có bao nhiêu lần trở về, cũng chỉ là những cuộc viễn du tạm bợ của một đời mê mờ không lối thoát.
Hy vọng rằng, trong một sớm mai không xa, cả gia đình ấy không chỉ đón con trở về nhà, mà còn đón một con người mới: tỉnh thức, chân thành và quyết tâm làm lại cuộc đời từ chính sự hiểu biết và từ bi đúng nghĩa.
Tác giả: Lê Thị Kết - ngõ 15, đường Đa Lộc, thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội