TPHCM: Ý thức tham gia giao thông của không ít phụ huynh và học sinh rất kém
Nhiều trường hợp là phụ huynh, học sinh, sinh viên đã tìm đủ cách để né bị CSGT kiểm tra tại nút giao thông Quốc lộ 13 - Pham Văn Đồng (TP.Thủ Đức) trong buổi trưa 08/10.
VIDEO: Học sinh vi phạm chỉ đội mũ bảo hiểm khi thấy CSGT
Trưa 08/10, Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM) ra quân tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông là học sinh, sinh viên, phụ huynh chở con em tham gia giao thông tại nút giao Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 13.
Ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, trong hơn 1 giờ, lực lượng CSGT đã yêu cầu dừng xe hàng chục phương tiện do các học sinh điều khiển có nghi vấn chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.
Qua đó, phát hiện các trường hợp vi phạm chủ yếu mắc lỗi không có gương chiếu hậu, không giấy đăng ký xe, không giấy phép lái xe,...
CSGT phát hiện trường hợp em B.H.T (học sinh lớp 11) điều khiển xe máy BS:47AC803.., không trang bị gương chiếu hậu. CSGT đã ra lệnh T. dừng phương tiện để tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, T. chưa đủ tuổi để được điều khiển xe máy dưới 50cm3.
"Em tự chạy xe đi học cũng được mấy tháng nay. Em nghĩ mình sinh năm 2008 là đã đủ tuổi được chạy xe máy dưới 50cm3", T. nói.
CSGT ngay sau đó đã giải thích và tuyên truyền để T. hiểu rõ các quy định pháp luật và hiểu rõ hành vi này vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
"Trường hợp của T. nếu nhìn qua các em sẽ nghĩ mình đủ tuổi, tuy nhiên, do chưa đủ ngày, đủ tháng thì vẫn chưa đủ 16 tuổi. Điều khiển xe máy dưới 50cm3 khi chưa đủ 16 tuổi là vi phạm" - CSGT giải thích.
Với trường hợp của nam sinh này, CSGT chỉ phạt cảnh cáo. Đối với người giao phương tiện cho T. sẽ bị tạm giữ phương tiện và bị phạt 1,4 triệu đồng do đưa xe cho người không đủ điều kiện.
Trường hợp khác, em T.N (học sinh lớp 12) được phụ huynh giao xe máy trên 50cm3 BS:59B3-445.., đi học. Khi bị CSGT lập biên bản xử phạt và giải thích rõ hành vi vi phạm của mình, N. hứa sẽ không tái phạm cho đến khi có giấy phép lái xe. "Em sẽ đi học bằng xe đạp hoặc xe buýt đến trường", N. nói.
Trường hợp của N., em bị phạt 500 nghìn đồng đối với hành vi điều khiển xe mô tô có dung tích từ 50cm3 trở lên. Người giao phương tiện cho N. bị phạt 1,4 triệu đồng.
Ngoài các trường hợp bị CSGT xử phạt, phóng viên ghi nhận muôn kiểu tránh né của các học sinh, phụ huynh vi phạm.
Cụ thể, thấy chốt xử lý vi phạm từ xa, một cặp học sinh không đội mũ bảo hiểm đã không ngại nguy hiểm chen lẫn vào những chiếc xe tải đang lưu thông tốc độ cao trên đường để né tránh tầm quan sát của CSGT.
Thậm chí một học sinh vi phạm vừa thấy CSGT đã chuyển hướng đột ngột bất chấp nguy cơ tai nạn bất ngờ.
Trong số trường hợp này có một nam sinh có mũ bảo hiểm nhưng treo phía trước xe máy. Mãi đến khi gặp CSGT, nam sinh này hoảng sợ luồn tay xuống dưới lấy nón đội lên rồi chen lẫn vào dòng xe khác...
Ngoài các trường hợp vi phạm là học sinh thì còn cả các bậc phụ huynh. Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh đã có hành vi chở nhiều con, em trên cùng 1 chiếc xe mà không đội mũ bảo hiểm.
Thấy có CSGT, nhiều người hướng dẫn con em sử dụng áo khoác trùm lên nhằm "che mắt" CSGT.
Thậm chí, một phụ huynh khác chở con phía sau, khi thấy CSGT vội tắt máy xuống xe dẫn bộ. Em học sinh ngồi phía sau như hiểu ý, lập tức hợp tác, phụ mẹ đẩy xe qua ngã tư. Vừa thoát chốt CSGT, cả mẹ lẫn em học sinh này vội lên xe rồi rồ ga mất dạng.
Một cán bộ trong tổ công tác cho biết, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm giao thông của các em học sinh xuất phát từ sự dễ dãi và buông lỏng quản lý của phụ huynh, cho phép con em mình thoải mái điều khiển phương tiện mà chưa đủ điều kiện.
Vị cán bộ cũng nhấn mạnh, thói quen che giấu, lấp liếm vi phạm từ phía phụ huynh càng làm cho trẻ em có nhận thức sai lệch, dần nghĩ rằng việc vi phạm giao thông là chuyện bình thường và không đáng lo ngại. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các hành vi vi phạm giao thông trong độ tuổi học sinh.
"Sau khi CSGT lập biên bản xử phạt, các trường hợp vi phạm sẽ được tổng hợp và gửi về Phòng CSGT, Công an TPHCM. Thông tin này sẽ được chuyển tiếp đến Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, từ đó thông báo cho các trường học liên quan để có biện pháp xử lý và theo dõi. Mức xử phạt cao nhất đối với các em học sinh vi phạm nhiều lần là buộc thôi học" - Một cán bộ trong tổ công tác cho biết.
Muôn kiểu vi phạm của phụ huynh và học sinh dưới ống kính của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM: