Mức sinh ở Việt Nam đã giảm thấp nhất lịch sử

Công tác dân số đang đối mặt với thách thức lớn khi mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế suốt 3 năm liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy công tác dân số chỉ hoàn thành 1/3 chỉ tiêu được giao. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy công tác dân số chỉ hoàn thành 1/3 chỉ tiêu được giao. Ảnh: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Thông tin được Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng (Bộ Y tế) nhấn mạnh trong hội nghị tổng kết công tác dân số 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 diễn ra ngày 27/12.

Năm đẹp cũng không "cứu" được mức sinh

Theo ông Lê Thanh Dũng, năm 2024, công tác dân số đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nổi bật là việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để trình Chính phủ xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2025.

Tuy nhiên, báo cáo từ các địa phương cho thấy chỉ 1/3 chỉ tiêu được giao hoàn thành. Trong đó, tuổi thọ trung bình thực tế đạt 74,5 tuổi, vượt chỉ tiêu kế hoạch (73,8 tuổi). Ngược lại, hai chỉ tiêu về tỷ số giới tính trẻ em mới sinh và tổng tỷ suất sinh không đạt kế hoạch. Các chỉ tiêu chuyên môn cũng chỉ hoàn thành 1/8, với tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại thấp hơn dự kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Cụ thể, năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử. Dự báo, xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Kiên.

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, chia sẻ rằng năm 2024 (Giáp Thìn), dù là năm đẹp, mức sinh vẫn tiếp tục giảm. Ông Hoàng nhấn mạnh mối liên quan giữa trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế và mức sinh.

Thống kê năm 2023 cho thấy người nghèo có mức sinh trung bình 2,4 con, cao hơn so với người giàu (2 con) và người có mức sống khá hoặc trung bình (2,03-2,07 con). Phụ nữ trình độ học vấn dưới tiểu học sinh trung bình 2,35 con, trong khi người trình độ trên THPT chỉ sinh 1,98 con.

Phụ nữ thành thị thường có xu hướng sinh con muộn và ít hơn phụ nữ nông thôn. Tỷ suất sinh cao nhất ở thành thị là nhóm 25-29 tuổi với 127 trẻ/1.000 phụ nữ, trong khi tại nông thôn, con số này là 147 trẻ/1.000 phụ nữ trong nhóm tuổi 20-24. Hơn 20 năm qua, mức sinh tại thành thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế, đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ hiện ghi nhận mức thấp nhất cả nước.

Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao, dự kiến năm 2024 đạt 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Đồng thời, vấn đề nâng cao chất lượng dân số vẫn chưa được giải quyết đồng bộ và hiệu quả để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Dù tuổi thọ trung bình đã tăng cao, số năm sống khỏe mạnh của người dân vẫn còn hạn chế.

Hệ quả của mức sinh thấp ngày càng rõ rệt khi dân số già hóa nhanh chóng, kéo theo chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng mạnh, đồng thời gây thiếu hụt lao động và suy giảm nguồn lực kinh tế. Nếu duy trì mức sinh thấp hiện nay, Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng dân số âm trong vòng 35 năm tới. Dự báo đến năm 2069, cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, đặt ra thách thức lớn cho hệ thống an sinh và nguồn nhân lực quốc gia.

Thanh niên Việt Nam kết hôn ngày càng muộn

Phó Cục trưởng Cục Dân số cho hay tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại Việt Nam đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (2019). Đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1.

 Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế. Ảnh: Trung Kiên.

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế. Ảnh: Trung Kiên.

"Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại khu vực Đông Nam Bộ là hơn 29 tuổi, ước tính năm 2024 là 30,4 tuổi. Đây là con số rất cao. Như vậy, nước ra đang chuyển từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn", ông Hoàng nhấn mạnh.

Năm 2025, công tác dân số đặt ra chỉ tiêu kế hoạch về tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 74,6 tuổi; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 111 bé trai/100 bé gái; tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ.

Năm tới, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,2 điểm % so với năm 2024; điều chỉnh mức sinh (0,3‰ so với năm 2024. Hơn 5 triệu người mới sử dụng biên pháp tránh thai hiện đại trong năm 2025. 50% tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) đủ 4 bệnh (Down, Edward, Patau, Thalassemia).

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Cục Dân số tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.

Chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền. Tổ chức đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam; sơ kết, tổng kết các chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng phê duyệt để đề xuất điều chỉnh và thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan trong việc bố trí nguồn lực cho công tác dân số để bảo đảm cho việc thực hiện 12 chương trình, đề án về dân số đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Y tế phê duyệt. Đầu mối phối hợp với các bộ, ngành thành viên đẩy mạnh các hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và Phát triển.

Cục Dân số cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, đôn đốc hỗ trợ các tỉnh/thành phố huy động nguồn lực cũng như chuyên môn nghiệp vụ về dân số nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu về dân số theo kế hoạch đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/muc-sinh-o-viet-nam-da-giam-thap-nhat-lich-su-post1520794.html
Zalo