TPHCM - Thành phố hội tụ bản sắc văn hóa truyền thống - Bài 3: 'Riêng - chung' nỗi niềm di sản

TPHCM tuy không phải cái nôi của ví giặm hay quan họ, nhưng loại hình di sản này lại được khán giả dành rất nhiều tình cảm. Tuy nhiên, giống như các loại hình nghệ thuật khác, cả hai loại hình này đang gặp phải tình cảnh eo hẹp về kinh phí.

Bài toán muôn thuở

Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Văn học Nghệ thuật TPHCM, Chi hội trưởng Tinh Văn Diễn Cầm - Hội Di sản văn hóa TPHCM, cho biết, khi thử nghiệm một chương trình về các loại hình di sản, trong đó có ca trù để bán vé, số lượng bán ra rất thấp.

“Liên quan đến di sản, kiểu gì cũng khó khăn về tiền nên về lâu dài, chúng tôi phải tính toán gắn biểu diễn với du lịch hay tìm kiếm các nhà bảo trợ, tài trợ”, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ.

Trong 6 chương trình dân ca đã tổ chức, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn và các cộng sự chỉ thử nghiệm bán vé duy nhất 1 lần. Còn lại, đều là chương trình miễn phí hoặc khán giả đến tham dự đóng góp tùy tâm. Theo anh, kinh phí hiện tại không phải khó khăn lớn nhất với chi hội Tinh Văn Diễn Cầm bởi các thành viên đầu tiên tham gia sinh hoạt đều là những người yêu nghề, có điều kiện kinh tế.

“Cái khó của chúng tôi hiện tại là làm sao thu xếp thời gian để dung hòa giữa việc chung - việc riêng. Tuy nhiên, để phát triển thì câu chuyện tài chính là một bài toán phải tính từ bây giờ”, anh chia sẻ.

Trên thực tế, không phải CLB, hội nhóm di sản nào cũng thuận lợi về kinh tế ngay từ những ngày đầu hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB Dân ca Tây Bắc, trải lòng: “Các thành viên CLB hầu hết đã về hưu, có nguồn thu nhập nhất định nên mới gắn bó với bộ môn này. Chủ yếu chúng tôi chỉ biểu diễn giao lưu, thi thoảng nhận được lời mời từ hội đồng hương các tỉnh có loại hình nghệ thuật này, chưa dám nghĩ đến việc biểu diễn thương mại”.

Theo nghệ sĩ Ngọc Quang, Chủ nhiệm CLB Quan họ Trúc Xinh, CLB duy trì được là nhờ Cung Văn hóa Lao động TPHCM tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức đi diễn phục vụ công nhân lao động, khu chế xuất, biểu diễn từ thiện… Còn với ví, giặm thì ở CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam, để có kinh phí hoạt động, các thành viên tự đóng góp hội phí với mức 500.000 đồng/người/năm.

Hay những khi ai đó đoạt giải trong một cuộc thi hay hội diễn nào đó, tiền thưởng này sẽ được “sung” vào quỹ chung. Số tiền này cũng không nhiều, nên những người đứng đầu phải “giật gấu vá vai”, tính toán sao cho vừa vặn, bởi có những chương trình hát cho công nhân ở các khu công nghiệp như Bình Chánh, Bình Tân hay về các trường học, hoàn toàn không có thù lao.

“So với các loại hình khác, đất diễn cho ví giặm có khá hơn, một phần tại TPHCM, có nhiều người xứ Nghệ sinh sống và làm việc. Có điều, bây giờ người ta thích nghe người trẻ, xinh đẹp hát hơn, trong khi nhiều người hát ví giặm tốt đã lớn tuổi. Thiếu người trẻ hát được ví giặm cũng là nguyên nhân quan trọng mà loại hình này khó biểu diễn thương mại được”, nghệ nhân Hương Lài chia sẻ.

 Một buổi giao lưu, biểu diễn của CLB Đờn ca tài tử Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH

Một buổi giao lưu, biểu diễn của CLB Đờn ca tài tử Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: THÚY BÌNH

Ngay cả với đờn ca tài tử, tưởng chừng thuận lợi, nhưng trên thực tế việc duy trì hoạt động của các CLB, đội nhóm cũng đối diện với rất nhiều thách thức. Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Gia Định, chia sẻ, mỗi buổi sinh hoạt biểu diễn sẽ có 2-3 tay đờn hỗ trợ phần nhạc, được bồi dưỡng 300.000 đồng/người/buổi (khoảng 3 giờ).

“Hội viên CLB sống được với nghề chỉ khoảng 30%, còn phần lớn chủ yếu tham gia giao lưu, ca hát, thư giãn… Và để theo đuổi lâu dài bộ môn này, người tham gia ngoài đam mê, phải có điều kiện kinh tế ổn định”, Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu bày tỏ.

NSƯT Vân Khánh, người nặng lòng với ca Huế, cho rằng, các thể loại âm nhạc dân tộc đang hội tụ tại TPHCM cần được quan tâm nhiều hơn nữa, bởi hiện tại gần như chỉ là hoạt động tự phát. Cô nói: “Giá như có thêm nhiều tổ chức tập hợp, có nguồn tài chính nhất định hỗ trợ hoạt động các CLB, hội, nhóm, có chế độ đãi ngộ nhất định với nghệ nhân… hoạt động bảo tồn, phát triển các di sản này sẽ phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều”.

“Để lan tỏa ca Huế, tôi có đề xuất Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM mở thêm các khóa, buổi dạy về chất liệu âm nhạc truyền thống, trong đó có Nhã nhạc cung đình Huế. Bởi phải có người thị phạm, các bạn trẻ mới hiểu được nguồn gốc, cách hát, cách rung, cách luyến… Bảo tồn không phải là bắt người nghe công nhận nó hay, dễ nghe mà còn giúp cho thế hệ trẻ, người sau biết thế hệ tiền nhân đã nghe những loại hình âm nhạc gì. Không đơn thuần là giá trị giải trí, đó còn là giá trị lịch sử”, NSƯT Vân Khánh nói.

Cần thêm không gian cho di sản

Trong khi câu chuyện kinh tế là bài toán mang tính cố hữu mà các CLB đang nỗ lực duy trì hoạt động để lan tỏa giá trị của di sản, một khó khăn khác còn đến từ việc thiếu không gian biểu diễn. Do đó, bài toán làm sao để hài hòa giữa một đô thị sôi động như TPHCM cũng là một vấn đề nhiều trăn trở.

Phân tích sâu hơn, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn lập luận, nghệ thuật truyền thống trước hết được sinh ra trong một môi trường, không gian nhất định. Ở đó, con người, các yếu tố về văn hóa, trang thiết bị, nhà cửa... góp phần tạo ra loại hình di sản đó. Và con người sống trong môi trường đó hít thở nó, cảm nhận và lớn lên cùng nó. Khi đưa vào đời sống đương đại, nếu chỉ tái hiện, tái diễn sẽ rất khó để thế hệ hiện tại và sau này cảm nhận. Do đó, bản thân người trình diễn phải cảm thấy phù hợp trước khi thu hút người xem.

NSƯT Vân Khánh cho biết, trước đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa quận 10, các nghệ sĩ đã thành lập được CLB ca Huế tập luyện thường xuyên. Một thời gian lại gặp khó khăn, CLB chuyển về hoạt động tại Trung tâm Văn hóa quận 1. Tuy nhiên, phương án hoạt động tại đây không còn khả thi và phải ngưng sau khi nhà tài trợ không đủ sức hỗ trợ.

Một nguyên nhân nữa là nghệ nhân tham gia giảng dạy âm nhạc dân tộc gần như không có thù lao nên hoạt động của dàn nhạc phải tạm ngưng. NSƯT Vân Khánh cho hay, để có thể tổ chức một dàn ca Huế tại TPHCM hiện rất khó vì chưa có nguồn để tập hợp, trong đó nguyên nhân chính là không có “đất diễn” thường xuyên nên nghệ sĩ tản mát nhiều nơi.

 Biểu diễn hát quan họ tại buổi giới thiệu bộ phim Người vợ cuối cùng. Ảnh: ĐPCC

Biểu diễn hát quan họ tại buổi giới thiệu bộ phim Người vợ cuối cùng. Ảnh: ĐPCC

Cũng vì thiếu không gian biểu diễn, việc sinh hoạt đờn ca tài tử phải có những thay đổi để phù hợp. Theo TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM), nếu như trước đây, hoạt động này thường diễn ra trong không gian sân vườn, cảnh đẹp thi vị… thì nay hiện đã xuất hiện thêm mô hình mới là các CLB tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê.

“Đó cũng là một hướng để tồn tại, miễn sao các nghệ nhân vẫn giữ được nét chân phương, mộc mạc và chất ngẫu hứng cần có của loại hình đờn ca tài tử”, TS Lê Hồng Phước chia sẻ. Theo ông, vấn đề còn lại là không nên để các CLB đờn ca tài tử tự sinh tự diệt, phải tạo điều kiện hoạt động bằng nhiều cách: hỗ trợ tài chính một cách thích hợp, chú trọng đào tạo thế hệ kế thừa, tổ chức những buổi tập huấn cho hội viên các CLB…

Những người yêu mến đờn ca tài tử vẫn luôn khao khát mỗi tháng có một chương trình giao lưu đờn ca tài tử cấp thành phố, với sự tham gia của nhiều CLB, tham gia diễn luân phiên. Địa điểm có thể chọn Bến Bạch Đằng để phục vụ khán giả trong và ngoài nước, giống như ở Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Điều này khả thi do sân khấu đờn ca tài tử vốn dễ bố trí, không cần quy mô như sân khấu cải lương… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức như thế nào, kinh phí, chương trình biểu diễn của các CLB thực hiện ra sao...

“Tôi đã có đề xuất với Trung tâm Văn hóa TPHCM là nên có một sân khấu nhỏ ở ngay mặt tiền đơn vị (số 97 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1) để có nơi chuyên biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử, tạo điều kiện để anh chị em thể hiện tài năng, đồng thời từng bước thu hút nhiều khán giả ghé xem, từ đó hiểu hơn và yêu thích hơn bộ môn nghệ thuật truyền thống này”, Nghệ nhân nhân dân Thanh Tuyết chia sẻ.

“Hiện nay, việc trao truyền nghệ thuật bài chòi gặp khá nhiều trở ngại bởi nhiều lý do. Trong đó, việc nhiều nghệ nhân tuổi cao đi lại khó khăn; kinh phí hỗ trợ học và thực hành loại hình di sản còn hạn chế; cơ hội lẫn không gian trình diễn không nhiều; đối tượng khán giả không nhiều, làm một bản phối bài chòi cần nhiều công sức, chi phí… Bên cạnh đó, loại hình này còn cần năng khiếu và đam mê thực sự nên hầu như không người trẻ nào chủ động theo học bài chòi”, nghệ sĩ Nguyễn Linh Trúc Lai, người chuyên hát bài chòi, chia sẻ.

VĂN TUẤN - THÚY BÌNH - HỒ SƠN - TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-thanh-pho-hoi-tu-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-bai-3-rieng-chung-noi-niem-di-san-post776059.html
Zalo