TPHCM: Tập trung gỡ vướng, khơi thông bế tắc cho các dự án bất động sản

TP.HCM xác định từ nay đến cuối năm sẽ tập trung gỡ vướng, giải quyết vướng mắc cho các dự án bất động sản lớn, không dàn trải để khơi thông dòng vốn đầu tư, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của năm 2024 và làm tiền đề cho năm 2025.

Được gỡ vướng nhưng vẫn… bế tắc!

Thời gian qua nhiều dự án bất động sản tại TPHCM đã được cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, một số dự án vừa gỡ được “điểm nghẽn” này lại vướng phải “bế tắc” khác nên tiếp tục “đứng hình”. Điển hình như dự án Khu Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp Shizen Homes do Công ty TNHH Gotec Việt Nam làm chủ đầu tư tại đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, Q.7).

Dự án với tổng số 478 căn hộ, triển khai trên khu đất có nguồn gốc thuộc Công ty CP Cảng Rau Quả. Sau đó, TP.HCM đã đồng ý cho phép Công ty CP Cảng Rau Quả chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Gotec Việt Nam.

Dự án Shinzen Homes tháo gỡ được điểm nghẽn này lại vướng "bế tắc" khác

Dự án Shinzen Homes tháo gỡ được điểm nghẽn này lại vướng "bế tắc" khác

Dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận nhà đầu tư theo quyết định số 402/UBND-ĐT ký ngày 27/1/2018 và được ký quyết định chấp thuận đầu tư số 3634/QĐ-UBND vào ngày 27/8/2018. Đồng thời, Shizen Homes cũng đã được Sở Xây dựng TP cấp giấy phép xây dựng số 61/GPXD cấp ngày 13/5/2021. Năm 2022, dự án đã thi công hoàn thành xong phần móng, hầm, tầng 1 và đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo.

Tuy nhiên từ ngày 24/6/2022 đến ngày 4/11/2022, Công ty Gotec Việt Nam 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại nhưng đều chưa được chấp nhận với lý do để rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất từ Công ty CP Cảng Rau Quả cho Công ty Gotec Việt Nam.

Đến tháng 2-2023, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp gỡ vướng mắc cho dự án của Công ty Gotec Việt Nam cùng 5 dự án khác. Ngày 12/4/2023, Ban Cán sự Đảng UBND TP có văn bản số 362-TB/BCSĐ và UBND TP có văn bản số 623/UBND-ĐT ký ngày 22/4/2023 thống nhất chủ trương cho phép thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 với tỷ lệ 50% diện tích sàn nhà ở đối với dự án Shizen Home.

Tuy nhiên, theo quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND TP, dự án Shizen Home phải hoàn thành nghiệm thu và đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2022. Do đó, khi thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện được bán 226/478 căn hộ hình thành trong tương lai tại Sở Xây dựng TP.HCM thì tiếp tục bị “tắc” do bị…“trễ tiến độ”(!).

Ông Nguyễn Thúc Anh Thi - Phó Giám đốc Công ty Gotec Việt Nam cho biết dự án bị trễ tiến độ là do khách quan vì TP rà soát lại pháp lý. Trước đó từ ngày 8/12/2022, chủ đầu tư cũng đã làm thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng chưa được giải quyết.

“Dự án bế tác khiến chúng tôi bị thiệt hại rất lớn, từ doanh thu bán hàng, chi phí quản lý, marketing, lãi vay… Vì vậy chúng tôi mong các cơ quan sớm tháo gỡ để doanh nghiệp có thể đưa dự án vào kinh doanh”, ông Nguyễn Thúc Anh Thi chia sẻ.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có công văn khẩn kiến nghị UBND TP tổ chức cuộc họp với Sở TN&MT; Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án Shizen Home để làm cơ sở cho việc thực hiện thủ tục xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay việc gỡ vướng đối với dự án trên vẫn chưa xong.

Khơi thông nguồn lực từ đất đai

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) cho biết tại TP.HCM có 148 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai thực hiện. Trong đó, “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án và doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tập trung gỡ vướng cho các dự án BĐS

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo tập trung gỡ vướng cho các dự án BĐS

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các dự án bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện và chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt nhằm thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho nhiều dự án.

Tại TP.HCM, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo TP và các sở ngành thời gian qua đã tập trung khơi thông các điểm nghẽn với phương châm “sớm nhất, hiệu quả nhất”, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Có 5 dự án đã được tháo gỡ xong vướng mắc về pháp lý gồm dự án The Metropole Thủ Thiêm của Công ty CP Quốc Lộc Phát; khu nhà ở xã hội của Công ty CP VTHouse và Công ty CP Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam; khu chung cư và thương mại Metro Star, TP Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư Metro Star và Celadon City của Công ty CP Gamuda Land.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án khác cần sớm được tháo gỡ để tái khởi động trở lại. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ của TP.HCM chiều 1/10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận TP vẫn còn lúng túng trong điều hành, nhất là khi Luật Đất đai và các luật sửa đổi cùng có hiệu lực, trong khi các nhiệm vụ tồn đọng trong năm còn khá lớn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2024 và làm tiền đề cho năm 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Văn phòng UBND TP phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực tổ giải quyết vướng mắc) và Sở Xây dựng (Thường trực tổ giải quyết vướng mắc các dự án bất động sản) để tổng hợp tháng 10, 11 và 12 sẽ giải quyết được bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu dự án. Trong đó nhấn mạnh từ nay đến cuối năm cần tập trung giải quyết các dự án lớn, không dàn trải.

Việc sớm khơi thông “điểm nghẽn” cho các dự án không chỉ “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn khi bị “chôn vốn” trong các dự án mà còn đóng góp vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, góp phần vào sự phục hồi vào phát triển kinh tế chung của TP. Chủ tịch UBND TP dẫn chứng chỉ riêng dự án Khu phức hợp thông minh Lotte Eco Smart City (Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) nếu dự án được gỡ vướng thì TP sẽ thu được trên 15.000 tỷ đồng vào ngân sách.

Thiên Long

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/bat-dong-san/tphcm-tap-trung-go-vuong-khoi-thong-be-tac-cho-cac-du-an-bat-dong-san_168065.html
Zalo