TPHCM phát hiện ca nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' Whitmore

Mới đây, tại TP.HCM phát hiện ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.

Ngày 10/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) thông tin các bác sĩ tại đây vừa kịp cứu nữ bệnh nhân Đ.T.M.L (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore. Nữ bệnh nhân được đưa đến bệnh viện gần nhà trong tình trạng sốt cao, khó thở kéo dài 3 ngày liên tục.

Bệnh diễn tiến cực kỳ nhanh khiến nữ bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Sau 24 giờ nhập viện, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nên được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Tại đây, chị L. được các bác sĩ can thiệp bằng oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (VV-ECMO). Nhờ áp dụng phương pháp thông khí bảo vệ phổi và thông khí nằm sấp, sau 48 giờ, kết quả xét nghiệm cho thấy chị L. dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei – tác nhân gây bệnh Whitmore.

Phổi của nữ bệnh nhân bị tổn thương rất nặng cả hai bên phổi do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Phổi của nữ bệnh nhân bị tổn thương rất nặng cả hai bên phổi do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

Rất may sau 4 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của nữ bệnh nhân này đã nhanh chóng được cải thiện. Tình trạng suy hô hấp nặng cũng đã được kiểm soát. Sau 2 tuần điều trị, nữ bệnh nhân này đã khôi phục hoàn toàn và có thể xuất viện về nhà.

Sau khi thoát khỏi cửa tử, nữ bệnh nhân cho biết: “Tôi có thói quen đi chân trần trên mặt đất khi tập thể dục ở công viên để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe:. Có lẽ vì thói quen tai hại này đã khiến cô mắc phải căn bệnh nguy hiểm.

Nữ bệnh nhân đã sớm bình phục sau thời gian điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Nữ bệnh nhân đã sớm bình phục sau thời gian điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Bệnh Whitmore là bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh Whitmore có tỉ lệ tử vong cao, ở các ca nhiễm khuẩn huyết có thể lên đến 50%, và ở các trường hợp viêm phổi nặng, nguy cơ tử vong lên tới 75%.

Whitmore có thể xâm nhập qua đường trầy xước.

Whitmore có thể xâm nhập qua đường trầy xước.

Vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn nhưng không sử dụng đồ bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn chưa được xử lý đúng cách. Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người hay truyền từ động vật sang người.

Tổng hợp

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/song-khoe/tphcm-phat-hien-ca-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-whitmore-202410101711497966.html
Zalo