TPHCM huy động nguồn lực xã hội hơn 33.600 tỷ đồng phát triển y tế
Trong số này, có tới hơn 23.600 tỷ đồng là từ nguồn vốn hợp tác công tư (PPP). Còn lại là nguồn vốn huy động từ FDI, liên doanh liên kết, từ nguồn vốn vay ưu đãi của TPHCM...

TPHCM huy động nguồn lực đầu tư cho y tế, nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2025–2030, với hàng loạt dự án cụ thể tại các bệnh viện công lập, tư nhân và cơ sở đào tạo y khoa. Mục tiêu tăng cường năng lực khám chữa bệnh, giải quyết tình trạng quá tải, hiện đại hóa trang thiết bị và hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu.
Theo kế hoạch, TPHCM sẽ huy động tổng cộng 23.655 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 15 dự án. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm như xây dựng khu khám và điều trị dịch vụ tại khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng); xây dựng khoa Khám và điều trị cho người nước ngoài Bệnh viện Lê Văn Thịnh 650 tỷ đồng; thành lập Trung tâm khám và tầm soát bệnh công nghệ cao tại cụm y tế Tân Kiên và TP Thủ Đức (1.500 tỷ đồng mỗi nơi). Dự án có tổng mức đầu tư cao nhất là Khu y tế kỹ thuật cao Long Thới, huyện Nhà Bè (đổi thành Khu Viện trường Long Thới Nhà Bè) với 10.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực FDI, TPHCM có một dự án là đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị Proton đặt tại Bệnh viện Ung Bướu (1.500 tỷ đồng).
Với nguồn lực theo Chính sách hỗ trợ lãi vay của TPHCM và vay vốn khác, có 29 dự án với tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. Trong số này dự án 2 khu nghỉ dưỡng phục hồi chức năng chăm sóc người cao tuổi của Bệnh viện đa khoa Hồng Đức ở quận 12 và quận Gò Vấp có tổng mức đầu tư cao nhất, là 1.000 tỷ đồng.
Với nguồn lực huy động theo hình thức liên doanh liên kết, có 2 dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện huyện Củ Chi và dự án trang bị cho Trung tâm y tế quận 11, tổng mức đầu tư hai dự án 30 tỷ đồng.
Nguồn lực y tế tư nhân dự kiến có các dự án y tế thành lập mới tại quận 12, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài trách nhiệm chuyên môn của Sở Y tế, UBND TPHCM giao Sở Tài chính và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư ITPC mời gọi, hướng dẫn nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực y tế đang được ưu tiên phát triển.
TPHCM đặt mục tiêu:
- Đến năm 2030, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh.
- Năm 2025, khởi công xây dựng Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao dự kiến đặt tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung Bướu.
- Thành lập Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao tại Cụm y tế Tân Kiên và Cụm y tế TP Thủ Đức.
- Hình thành thêm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Cụm y tế Bình Chánh, Cụm y tế TP Thủ Đức và các khu vực khác phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu.
- Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; thêm loại hình liên kết đào tạo với các quốc gia Mỹ, Anh, Nhật... tại các trường đại học khối ngành sức khỏe.