TPHCM hiện có bao nhiêu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã là nữ?
UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 2282 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình 'Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 -2030'.
UBND TPHCM đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên lĩnh vực đời sống xã hội đạt được một số kết quả tích cực.
Công tác cán bộ nữ cũng được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ công tác trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chủ động, tích cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND các cấp đa số là nam; có 4 Chủ tịch UBND cấp huyện là nữ; 86 Chủ tịch UBND cấp xã là nữ; Thường trực UBND TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh và 58 Thường trực UBND cấp xã không có nữ.
Đối với sở, ngành, thủ trưởng đơn vị đa số là nam, có 4 đơn vị thủ trưởng là nữ (Sở Du lịch, Sở KH-ĐT, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND TPHCM, Sở Tư pháp), có một số sở ngành chưa có lãnh đạo là nữ như Sở Y tế, Sở NN-PTNT...
Theo UBND TPHCM, công tác bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành tập trung thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đến nay, chỉ tiêu “Đến năm 2025 đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ” cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, tỷ lệ nữ đảm nhiệm vị trí chủ chốt của UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp có tăng lên, nhưng phần lớn giữ vị trí cấp phó, có một số sở, ngành chưa có lãnh đạo là nữ. Nguyên nhân là do tỷ lệ nữ được quy hoạch thấp so với nam giới ở tất cả các vị trí lãnh đạo các cấp và chủ yếu ở cấp phó, dẫn đến khoảng cách giới được cải thiện chậm, nữ giới tiếp tục giữ vai trò cấp phó. Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
Năm 2025, UBND TPHCM tiếp tục thực hiện Quyết định 2282, cùng với việc thu thập thông tin, số liệu về giới và bình đẳng giới. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác cán bộ nữ; tập huấn bồi dưỡng đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu trong công tác.
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để phục vụ việc quản lý, thống kê số liệu về cán bộ, công chức, viên chức nữ được nhanh chóng, chính xác.