TPHCM: Hệ thống y tế thông minh dần lộ diện
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong ngành y tế của TPHCM luôn được đẩy mạnh, bước đầu giúp hiện đại hóa hệ thống y tế của thành phố, phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Tương tác chỉ bằng cú “chạm”
Mắc bệnh tim mạch đã nhiều năm, lại có nhiều bệnh nền, ông Nguyễn Trọng Huân (48 tuổi, ngụ tỉnh Thái Nguyên) phải uống thuốc hàng ngày theo đơn của bác sĩ. Trong chuyến công tác tại TPHCM, ông Huân đặt mua thuốc qua ứng dụng VNeID. Chờ khoảng 15 phút, thuốc đã được giao đến địa chỉ khách sạn nơi ông ở.
Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, việc mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID được đông đảo người dân đánh giá cao vì tiện lợi, an toàn, văn minh, bảo mật và được xử lý nhanh…
Theo các chuyên gia, việc trên ứng dụng VNeID tích hợp thêm nhiều tính năng, trong đó có mua thuốc trực tuyến, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, theo dõi sức khỏe toàn diện và giảm tải cho hệ thống y tế.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh bằng vân tay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, từ nhiều năm qua, ngành y tế thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng hiệu quả và tiện lợi cho người dân.
Các bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, Nguyễn Tri Phương, Truyền máu Huyết học, Hùng Vương, Nhân dân Gia Định... đã nỗ lực chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, giúp lưu trữ thông tin người bệnh một cách an toàn, dễ dàng truy xuất và chia sẻ giữa các cơ sở y tế.
Nhiều BV cũng đã ứng dụng telemedicine (tư vấn sức khỏe từ xa) kết nối bác sĩ tại các trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa tại các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố; đồng thời hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bác sĩ công tác tại các trạm y tế khi gặp những tình huống khó, hiếm gặp.
“Việc ứng dụng telemedicine cũng được triển khai rộng rãi trong hoạt động hội chẩn, trong đào tạo từ xa và chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh với các vùng nhằm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, cập nhật phác đồ điều trị và ứng dụng trong hoạt động đào tạo liên tục, hội chẩn chuyên khoa cho các BV tỉnh, thành phố khu vực phía Nam…”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng thông tin.
Tăng tiện ích cho người dân
Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay, hầu hết BV đã áp dụng nhiều tiện ích số hóa để tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, như triển khai hệ thống đặt lịch khám trực tuyến, kiốt tra cứu thông tin người bệnh, kiốt đăng ký khám bệnh thông minh và thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, Sổ sức khỏe điện tử đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID, giúp kết nối dữ liệu với 100% cơ sở khám chữa bệnh, liên thông với Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT.
“Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thời gian chờ đợi, nâng cao trải nghiệm cho người bệnh mà còn góp phần tối ưu hóa quản lý y tế, hướng đến một hệ thống y tế hiện đại, tiện ích và thân thiện hơn với người dân”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng cho biết.
Nhiều BV đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động khám chữa bệnh, bước đầu đã tạo nhiều giá trị tích cực như: Phẫu thuật Robot tại BV Bình Dân; ứng dụng Robot trong sinh thiết xương ở các vị trí khó tiếp cận tại BV Quân y 175; Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT-Scanner, MRI) tại nhiều BV không chỉ cải tiến đáng kể chất lượng và tốc độ chụp mà còn giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm; Ứng dụng AI trong lập kế hoạch xạ trị của BV Ung bướu TPHCM đã mang lại độ chính xác cao và giảm thời gian điều trị (RayStation).
Ngoài ra, BV Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm AI RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ.
Hệ thống BV tư nhân trên địa bàn TPHCM cũng đóng góp nhiều ứng dụng kỹ thuật tiên tiến có tích hợp AI, như BV Tâm Anh với phẫu thuật robot AI trong mổ não và tủy sống, nội soi tiêu hóa có AI giúp phát hiện ung thư, bất thường đường tiêu hóa giai đoạn sớm, BV Gia An ứng dụng AI trong điều trị đột quỵ…
Công tác quản lý sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh cũng được số hóa. Ngay từ năm 2016, hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM để theo dõi và quản lý bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, Zika, ho gà, thương hàn, tiêu chảy, hệ thống cung cấp cảnh báo nguy cơ theo 4 cấp độ hỗ trợ công tác giám sát dịch tễ và kiểm soát ổ dịch.
Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng đã triển khai nhiều ứng dụng sàng lọc, can thiệp dịch bệnh và nền tảng số trong quản lý người nhiễm HIV/AIDS, giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh khám chữa bệnh, ngành y tế TPHCM cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và cải cách hành chính. Chẳng hạn, cổng tra cứu thông tin hành nghề y dược giúp người dân dễ dàng tìm kiếm cơ sở khám chữa bệnh phù hợp theo chuyên khoa, loại hình, chất lượng và chi phí.
"Dù đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng TPHCM vẫn đối mặt với một số thách thức trong quá trình xây dựng y tế thông minh. Hạ tầng công nghệ cần được đầu tư nâng cấp để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định và bảo mật dữ liệu. Nhân lực y tế cần được đào tạo chuyên sâu để có thể sử dụng hiệu quả các công nghệ mới. Chính sách và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cũng cần hoàn thiện để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong y tế"_PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG kết luận.
Theo Thành An (Báo SGGP.ORG.VN)