TPHCM: Đề xuất 'hướng ra' đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Sáng 1-4, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) Cao Thanh Bình dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với Sở Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM về tổ chức thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mở đầu buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho biết, hiện nay, Đề án xây dựng 4.500 phòng học còn vướng nhiều dự án do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

“Việc chậm trễ đưa vào khai thác các công trình xây dựng trường học khiến nguồn lực ngân sách tiếp tục hỗ trợ nhiều chính sách khác, tăng áp lực chi thường xuyên cho ngân sách. Do đó, tôi đề nghị các sở, ngành mạnh dạn kiến nghị, không phải kiến nghị chung chung mà tập trung đi vào giải pháp để có hướng ra”, đồng chí Cao Thanh Bình đề xuất.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản bộ máy, có thể tính toán các vị trí đất được thu hồi để đầu tư cho giáo dục, tranh thủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đảm bảo mục tiêu xây dựng trường lớp.

 Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo về kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, sau một năm triển khai đề án, tiến độ thực hiện các công trình mặc dù chậm, số phòng học hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đạt mục tiêu đề ra, song đã cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực, tập trung cao độ của các sở, ban, ngành và địa phương.

Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay, ở các địa bàn còn áp lực cao về nhu cầu chỗ học, các địa phương đã đưa ra chủ trương ưu tiên quỹ đất công, sạch để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp trên địa bàn, gắn với nhu cầu đầu tư và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương.

Giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực giáo dục đã được bố trí khoảng 18.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 10,6% tổng số vốn đầu tư công của TPHCM nhằm mục tiêu đầu tư tăng thêm phòng học đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển dân số.

Dự kiến đến cuối năm 2025, sẽ có 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ đầu tư công, 800 phòng từ xã hội hóa, đạt tỷ lệ 50% so với mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, để tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 766/QĐ-UBND (ngày 17-3-2022) thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 4-6-2019) của Chính phủ, đồng thời phê duyệt Đề án “Xã hội hóa phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều dự án chưa triển khai thực hiện, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 chịu ảnh hưởng lớn từ sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư công, công tác quy hoạch, đất đai và điều kiện về môi trường, giao thông… Nhiều dự án đầu tư xây dựng trường mới đều quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện nhiều bước, giá cả biến động theo các quy định được cập nhật mới phù hợp tình hình phát triển của kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao.

Riêng việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo phương thức đối tác công - tư còn mới, chưa có tiền lệ, các quy định và hướng dẫn chưa cụ thể nên còn nhiều khó khăn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố chưa có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực sự hấp dẫn để thu hút và huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư.

 Các sở, ban, ngành tập trung tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học

Các sở, ban, ngành tập trung tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học

Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM giao UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức giải quyết nhanh các thủ tục về lập, tổng hợp, trình thẩm định và phê duyệt các Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, 1/500 và quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị đối với các công trình có xây dựng tầng hầm để các dự án thuận lợi triển khai.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện rà soát, xây dựng phương án tổ chức xử lý sắp xếp nhà đất và các vấn đề liên quan đến đất đai để tăng thêm quỹ đất cho giáo dục; đồng thời xử lý dứt điểm trách nhiệm các nhà đầu tư đã được thành phố giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư tại các khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư trường học theo quy hoạch và cam kết.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-de-xuat-huong-ra-day-nhanh-tien-do-xay-dung-4500-phong-hoc-post788598.html
Zalo