Metro Bến Thành- Tham Lương, phép thử của cơ chế đặc thù

Tuyến metro số 2 TPHCM (Bến Thành- Tham Lương) đã qua nhiều lần điều chỉnh dự án, kéo dài 15 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư đến nay. Để có thể tuyển chọn nhà thầu thi công chính dự án khởi công vào tháng 12-2025 như kế hoạch, TPHCM đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn lập thiết kế FEED - điều kiện để thực hiện được cơ chế đặc thù cho dự án.

Cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian đầu tư 2 năm

Dự án metro tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương là một trong 2 tuyến đường sắt đô thị do UBND TPHCM chủ trì đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 188/2025 (2-2025). Tuyến này có tổng chiều dài 11,041km (đi ngầm khoảng 9km) với tổng vốn đầu tư 47.890 tỉ đồng. Theo UBND TPHCM, hiện thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 188/2025 của Quốc hội và sẽ sớm giao nhiệm vụ bố trí vốn để triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành- Tham Lương đang chờ các cơ chế hướng dẫn từ Bộ Xây dựng và Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Ảnh: BQL dự án đường sắt đô thị TPHCM

Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành- Tham Lương đang chờ các cơ chế hướng dẫn từ Bộ Xây dựng và Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Ảnh: BQL dự án đường sắt đô thị TPHCM

Trong đó, công việc ưu tiên nghiên cứu triển khai là chỉ định thầu tư vấn để thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để trình phê duyệt dự án đầu tư.

Theo quy định hiện hành, sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ lập FS, trong FS chỉ có thiết kế cơ sở. Các thiết kế triển khai sau đó mới có thiết kế FEED (thiết kế kỹ thuật tổng thể), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có). Trường hợp chủ đầu tư lựa chọn hình thức hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), thực hiện theo thiết kế FEED.

Quy định mới được Quốc hội cho phép sẽ tạo điều kiện cho TPHCM ngay từ bước lập FS đã tiến hành lập thiết kế FEED. Các chuyên gia thuộc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) nhận định rằng, quy định mới sẽ rút ngắn được khoảng hơn 2 năm thực hiện thủ tục đối với dự án thông thường. Điều này rất có ích đối với tiến độ và hiệu quả đồng vốn đầu tư các dự án đầu tư công.

Việc áp dụng thiết kế FEED lần đầu tiên sẽ được thực hiện tại dự án metro số 2 tại TPHCM, có hiệu lực từ 1-5-2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này Chính phủ vẫn đang xây dựng Nghị định để hướng dẫn thực hiện liên quan đến thiết kế FEED. Nếu không kịp cột mốc áp dụng 1 tháng nữa, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, kéo theo chậm giải ngân vốn. Như vậy việc gỡ các thủ tục hành chính nhanh cho các tuyến đường sắt, hạ tầng... mà Quốc hội thí điểm sẽ không còn phát huy hiệu quả.

Theo Báo cáo tháng 3-2025 của Sở Giao thông công chánh TPHCM gửi Bộ Xây dựng, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đã đạt 99,83% và quí 3 năm nay sẽ hoàn thành di dời toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất dự án. Do vậy, nếu hướng dẫn thực hiện thiết kế FEED được ban hành thì mới có thể huy động tư vấn lập thiết kế FEED trong tháng 5; trình và hoàn tất quy trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 11; song song thực hiện tuyển chọn nhà thầu thi công chính dự án vào tháng 12-2025.

Để tránh đầu bài rủi ro cho các tuyến metro

Các chủ đầu tư dự án, bao gồm các chủ đầu tự án các tuyến metro tại Hà Nội và TPHCM, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đều trông chờ vào hướng dẫn thiết kế FEED, trong khi việc áp dụng thiết kế FEED lại rất mới mẻ ở Việt Nam.

Tại hội thảo về Thiết kế FEED cho công trình đường sắt hôm 18-3, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý thực hiện Dự án 2 – Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, thiết kế FEED là hình thức rất tiên tiến nhưng các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị nói riêng hầu như có rất ít hoặc không có kinh nghiệm để triển khai.

Theo ông Thành, thiết kế FEED như một bước đệm để chi tiết hóa, cụ thể hóa những mục tiêu, mong muốn của chủ đầu tư dự án mà người thực hiện là nhà thầu. Bước này quyết định thành bại của cả dự án nên yêu cầu phải chọn nhà tư vấn cho chủ đầu tư càng kinh nghiệm, càng chi tiết hóa bao nhiêu càng giảm thiểu rủi ro bằng ấy.

Đơn cử như dự án tuyến metro số 3 thành phố Hà Nội, khi thực hiện gói thầu Hệ thống thiết bị đầu máy, toa xe, tín hiệu... thời điểm 2016-2017 chưa rõ về quy định về thiết kế FEED, chỉ rõ về quy trình thẩm định thiết kế phê duyệt kỹ thuật nên các gói thầu thiết bị tuyến 3 khi thực hiện khó kiểm soát các điều chỉnh phát sinh của nhà thầu trong quá trình thực hiện, dẫn đến khó kiểm soát chi phí, tiến độ dự án .

Trong khi đó, Ông Vũ Văn Vịnh, giám đốc Ban quản lý dự án 2 (metro Bến Thành- Tham Lương), thuộc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM, cũng nhận định rằng việc phê duyệt được thiết kế FEED là đã có đầu bài cho 60-70% thiết kế kỹ thuật cho các Hợp đồng EPC. Với cơ chế thí điểm mới của Quốc hội, sau 8 lần điều chỉnh quy mô dự án và câp nhật công nghệ, dự án đang đợi các hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để cập nhật công nghệ và thuê tư vấn (gồm cả khảo sát). Dự kiến, mất thêm khoảng 1 năm nữa mới có thể khởi công xây dựng các gói thầu dự án metro số 2. Vì vậy, việc hướng dẫn thiết kế FEED càng có sớm và cụ thể bao nhiêu thì không chỉ dự án tuyến metro số 2 mà các dự án khác được thực hiện đặc cách theo Nghị quyết 188/QH càng có sản phẩm đầu ra chất lượng cao và kiểm soát tốt đồng vốn đầu tư hiệu quả.

L.Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/metro-ben-thanh-tham-luong-phep-thu-cua-co-che-dac-thu/
Zalo