TPHCM có 9.000ha để phát triển mô hình TOD

Đây là thông tin về mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) vào sáng 25-2 do Tổng lãnh sự quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại TPHCM phối hợp với UBND TPHCM tổ chức .

Nhiều quỹ đất dọc Vành đai 3 TPHCM sẽ được đầu tư xây dựng đô thị mới

Nhiều quỹ đất dọc Vành đai 3 TPHCM sẽ được đầu tư xây dựng đô thị mới

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết việc phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm, nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh và bền vững cho TPHCM cũng như toàn vùng. TPHCM hiện có khoảng 9.000ha khu vực đất trống, đất nông nghiệp, đất công nghiệp sản xuất, trường học có thể chuyển đổi, tái thiết đồng bộ để phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD).

Để hiện thực hóa lĩnh vực đầy mới mẻ này, TPHCM nhận thức được việc trao đổi, tiếp thu kiến thức từ những đất nước phát triển đi trước như Anh là rất quan trọng. "TPHCM rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ ngay từ giai đoạn chuyển đổi mô hình đường sắt đô thị thuần túy sang mô hình metro TOD, thu hút nhà đầu tư chiến lược", ông Bùi Xuân Cường nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), cho biết trong bối cảnh TPHCM bước vào kỷ nguyên vươn mình, việc thúc đẩy phát triển metro đến 2030, hoàn thiện đến năm 2050 theo mô hình phát triển TOD là rất cấp bách. Trong đó, việc phát triển đô thị theo mô hình TOD quanh các nhà ga giao thông công cộng quy mô lớn, bổ sung hạ tầng kết nối vùng, kết nối các khu vực của TPHCM hiện nay cần có chiến lược.

Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là cơ chế thực thi TOD vẫn chưa thật sự thông suốt, các quy trình kỹ thuật, pháp lý toàn diện vẫn chưa có điều kiện phát huy, thời gian thủ tục kéo dài. Do đó, những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua như thế nào, đối với phân kỳ phát triển theo quy hoạch, cần xác định các khu vực hành lang, trọng điểm để ưu tiên thực thi.

Ông Tuấn cho biết với hiện trạng TPHCM hiện nay, khu đất ngoại thành được nhắm đến là vị trí có tính khả thi cao khi triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Ngoài ra, đơn vị cũng nghiên cứu thấy 9.000ha khu vực đất trống, đất nông nghiệp hoặc các khu đất lân cận cũng là một phương án để chuyển đổi chức năng để phát triển theo định hướng này.

TS. Nguyễn Hoàng Tùng, Phó nhóm TOD (Chương trình GCIP), cho biết các yếu tố chiến lược đúc kết từ kinh nghiệm các thành phố lớn trên thế giới, có thể áp dụng cho TPHCM trong vấn đề này đó là TOD dài hạn kết hợp chặt chẽ dự án phát triển giao thông và sử dụng đất, xây dựng hệ thống chính sách, quy định nhất quán hỗ trợ triển khai TOD, triển khai TOD thông qua các cơ quan chuyên trách, có năng lực quản lý cao, hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân.

Về quy định thể chế, các nước áp dụng nhiều mô hình hợp tác phát triển TOD khác nhau, trong đó có Cơ quan phát triển, vận hành tích hợp đường sắt, đô thị; hoặc mô hình Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với các nhà phát triển bất động sản tư nhân; hay tư nhân đầu tư phát triển đường sắt, vận hành và chuyển giao (BOT).

Ông Bùi Xuân Cường nhận định nhiệm vụ của quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị là phải đạt được sự hài hòa, gắn kết, tập trung phát triển nhanh và đồng bộ cơ sở hạ tầng và đặc biệt là phát triển đường sắt đô thị trở thành xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân sống trong và ngoài thành phố.

Ngày 19-2 vừa qua, tại kỳ họp bất thường Quốc hội lần thứ 9, khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TPHCM.

Dự kiến đến năm 2035, TPHCM hoàn thành tổng cộng khoảng 355km đường sắt đô thị. Ngoài ra, theo dự thảo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Thành phố quy hoạch nhiều vị trí phát triển TOD.

Cuối năm 2024, TPHCM đã công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến metro và Vành đai 3 trong tương lai gần, tận dụng lợi thế từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.

Trà Giang

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-co-9000ha-de-phat-trien-mo-hinh-tod-post120827.html
Zalo