TPHCM: 20 năm làm được 3.500km đường
Mỗi năm TPHCM chỉ tăng thêm 150-200km đường giao thông. Tốc độ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt khi phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng. Trong khi đó, hàng loạt dự án cầu đường thi công rất chậm, thậm chí nhiều dự án kéo dài hàng chục năm vẫn chưa xong.
Chậm tiến độ, chưa đáp ứng nhu cầu
Trong 20 năm qua (2003-2024), TPHCM đã không ngừng nỗ lực đầu tư và cải tạo hơn 3.500km đường giao thông. Ông Lương Minh Phúc Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, những năm qua, TPHCM đã nỗ lực xây dựng và mở rộng các công trình giao thông nội đô, đưa vào sử dụng giúp TPHCM giảm đáng kể ùn tắc giao thông ở nội thành và khu vực cửa ngõ.
Một số công trình tiêu biểu bao gồm Đại lộ Đông Tây (nay là Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với tổng mức đầu tư gần 16.000 tỷ đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ cảng Sài Gòn đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng dài khoảng 13km, rộng 12 làn xe, được hoàn thành năm 2014 với tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD. Tuyến này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với cửa ngõ Đông Bắc TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương.
Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, các tuyến đường vành đai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và mở rộng xa lộ Hà Nội. Hàng loạt cây cầu quan trọng cũng được xây dựng như cầu Sài Gòn 2, Phú Mỹ, Thủ Thiêm 1 và 2 cùng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Trung bình, mỗi năm, thành phố phát triển 150-200km đường giao thông. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt khi phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng, nguyên nhân chính các dự án chậm tiến độ là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Công tác đền bù, tái định cư thường gặp khó khăn do chưa thống nhất giá đất, dẫn đến người dân chưa đồng thuận. Ngoài ra, việc huy động vốn xã hội hóa chưa hiệu quả và các quy trình từ phê duyệt quy hoạch đến thiết kế, đấu thầu kéo dài. Một số dự án còn vướng hạ tầng kỹ thuật như điện, nước hoặc đơn vị thi công thiếu nhân lực, gây chậm trễ.
Huy động nguồn lực và cơ chế thực hiện
Năm nay, TPHCM sẽ khởi công xây dựng đường Vành đai 2, tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Nguyễn Khoái, cầu Bình Tiên, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, nút giao thông Gò Công và nhánh nối với xa lộ Hà Nội, đường nối nút giao Gò Dưa đến đường cao tốc Chơn Thành, QL13, QL1A (hướng cửa ngõ về miền Tây), QL22, đường trục Bắc - Nam và các cầu vượt, nút giao trong nội đô và cửa ngõ.
Đây là năm giải quyết cơ bản những “điểm nóng” về giao thông. Năm của những dự án giao thông nối kết liên vùng, năm của nguồn lực được khai mở, năm của phát huy sức mạnh lòng dân.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị dự kiến đạt 15% trong năm nay và mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km². Nhiều công trình quan trọng sẽ được khởi công như tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và đường Vành đai 2.
Để tiếp tục giải quyết nhanh bài toán phát triển hạ tầng giao thông, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định, từ nay đến năm 2030, thành phố cần hơn 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn, thành phố cần tận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98, kết hợp đầu tư công và huy động nguồn vốn xã hội hóa qua hình thức đối tác công - tư (PPP).
Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết, trước đây, thành phố chỉ huy động được 30% nguồn lực cần thiết, dẫn đến việc chậm trễ các dự án. Để cải thiện, thành phố sẽ áp dụng cơ chế BT (xây dựng - chuyển giao) với thanh toán bằng tiền thay vì đất. Học hỏi từ thành công của dự án Vành đai 3, thành phố sẽ áp dụng tinh thần này vào các dự án khác để đẩy nhanh tiến độ.
Với việc triển khai hàng loạt dự án lớn trong năm 2025 và những năm tiếp theo, TPHCM kỳ vọng giảm ùn tắc giao thông, cải thiện chất lượng sống và tăng cường kết nối liên vùng. Đây cũng là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo TPHCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
TPHCM hiện đang quản lý 9.506.751 phương tiện (trong đó, có 1.014.856 ô tô và 8.491.895 mô tô). So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện tăng 3,1%. Xe buýt có 137 tuyến với 2.202 phương tiện. Taxi có 13.264 phương tiện.