Để visa trở thành công cụ cạnh tranh hút khách quốc tế
Tụt hạng trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển du lịch, Việt Nam tiếp tục lép vế so với các quốc gia láng giềng dù tài nguyên du lịch không hề thua kém. Một phần nguyên nhân nằm ở cách tiếp cận còn dè dặt với chính sách visa (thị thực), trong khi nhiều nước đã chủ động biến nó thành công cụ chiến lược để thu hút du khách và thúc đẩy tăng trưởng, theo các chuyên gia trong ngành.
Tại hội thảo “Việt Nam nên mở visa cho du khách nào?” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 24-4, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lữ hành, điểm đến cùng chung quan điểm rằng, nếu thật sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận đối với chính sách visa. Dù câu chuyện nới lỏng visa không mới, nhưng điều đang thiếu chính là tư duy mới, cởi mở hơn và bắt kịp với xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khu vực.
Lép vế so với nước bạn
Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 59 trên 119 điểm đến về chỉ số phát triển du lịch, tụt 7 bậc so với năm trước, xếp sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Kể từ sau đại dịch, các nước trong khu vực đã bước vào cuộc đua "phục hồi" dòng khách quốc tế bằng hàng loạt chính sách thị thực cởi mở. Chẳng hạn Thái Lan miễn visa 60 ngày cho EU, Mỹ, Canada, Úc và 30 ngày cho Trung Quốc, Ấn Độ, giúp đón 35 triệu khách trong năm 2024. Malaysia miễn visa 30 ngày cho EU, Mỹ, Úc và cung cấp visa 120 giờ cho khách quá cảnh. Singapore miễn visa 90 ngày cho EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, đạt 19 triệu lượt khách. Indonesia miễn visa 30 ngày cho 169 quốc gia, Bali đón 10 triệu khách.
"Trong khi đó, Việt Nam hiện miễn visa cho công dân 26 quốc gia và cấp e-visa cho công dân của 80 nước. Tuy nhiên, thời gian xử lý vẫn kéo dài từ 3 đến 5 ngày, trong khi nhiều quốc gia xử lý chỉ trong vài giờ", Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel Corporation cho hay.

Nhóm khách quốc tế tham quan TPHCM. Ảnh: Ngọc Khuyến
Từ góc độ doanh nghiệp hàng không, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nêu rõ “Trước dịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng một nửa Thái Lan, sau dịch, còn thấp hơn nữa. Chúng ta đang tự giới hạn mình bởi các quy định visa quá chặt chẽ, trong khi hạ tầng du lịch, hàng không, khách sạn hoàn toàn có thể đón khách quy mô lớn”.
Dù đã cải tiến chính sách thị thực điện tử nâng thời hạn e-visa và cho phép nhập cảnh nhiều lần, nhưng thời gian xử lý e-visa từ 3–5 ngày vẫn là rào cản và khó cạnh tranh với nhiều nước xử lý trong vài giờ.
Ông Kỳ nhận định “Chúng ta nói rất nhiều về việc phát triển du lịch, nhưng nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy chính sách, đặc biệt là về visa, thì rất khó để ngành du lịch bật dậy”. Theo ông, visa không nên chỉ được xem là công cụ quản lý, mà phải được nhìn nhận như một yếu tố cạnh tranh để thu hút khách quốc tế. “Muốn hút khách thì trước hết phải khiến họ dễ đến đã ”, ông nhấn mạnh.
Có thể không miễn nhưng linh hoạt nhiều loại
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng Việt Nam không cần miễn visa đại trà, nhưng cần một chính sách linh hoạt, tập trung vào các thị trường trọng điểm và nhóm du khách như chuyên gia, người giàu, nhà đầu tư hoặc người đến khám chữa bệnh.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist Group, đề xuất nên chọn lọc miễn thị thực cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc, New Zealand và khu vực Trung Đông. Ông nhấn mạnh nên ưu tiên các nhóm khách làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, y tế, giáo dục và năng lượng tái tạo.
Từ góc nhìn của ngành hàng không, ông Nguyễn Quang Trung, đại diện Vietnam Airlines, đề xuất mở rộng miễn visa cho các nước chưa được hưởng chính sách này trong khối EU, Bắc Mỹ, Australia và một số thị trường mới như Brazil, Ả Rập Xê Út. Ông cũng đề xuất thí điểm miễn visa 1 năm cho khách từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ấn Độ, kéo dài thời hạn miễn visa lên 90 ngày với khách Âu, Mỹ, Úc và rút ngắn thời gian xử lý e-visa còn dưới 24 giờ.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nhấn mạnh visa cần là công cụ chiến lược, không đơn thuần là thủ tục hành chính. Thay vì miễn visa toàn diện, Việt Nam nên có những loại visa phù hợp từng nhóm mục tiêu.
Tham gia kiến nghị tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, đề xuất miễn visa theo nhóm như khách MICE, khách khám chữa bệnh, khách lưu trú cao cấp. Bà cho rằng nên có chính sách 'thị thực vàng' cho chuyên gia, nhà đầu tư, cho phép nhập cảnh nhiều lần trong 3 đến 5 năm và thiết kế visa chuyên biệt như visa golf hoặc theo yêu cầu.
Thực tế cho thấy chính sách visa phù hợp có thể mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel Corporation, cho hay sau khi Việt Nam miễn visa cho Nhật Bản và Hàn Quốc, lượng khách tăng lần lượt 25% và 30%. Ông dự đoán nếu tiếp tục mở rộng hợp lý, Việt Nam có thể tăng thêm 2 đến 3 triệu khách quốc tế mỗi năm.
Ông Kỳ cũng đề xuất, Việt Nam nên xem xét chính sách cấp visa gắn với các sự kiện cụ thể. “Chẳng hạn như đại lễ Vesak 2025 sắp tới, tại sao không cân nhắc miễn visa cho những đối tượng tham dự các sự kiện quốc tế lớn như vậy?” – ông đặt vấn đề. Theo ông, khi Việt Nam liên tục đăng cai nhiều sự kiện cấp quốc gia và quốc tế, việc chủ động chuẩn bị chính sách visa phù hợp từ sớm sẽ là bước đi quan trọng để thu hút dòng khách quốc tế ngay từ đầu.
Tính chung quý 1 năm 2025, cả nước đón hơn 6 triệu lượt khách, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng khách đến trong một quý cao nhất từ trước đến nay. Trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với 1,58 triệu lượt; Hàn Quốc xếp thứ hai với 1,26 triệu lượt. Hai thị trường này đóng góp 47% tổng số khách đến Việt Nam. Hiện Việt Nam đã miễn visa cho du khách đến từ Hàn Quốc.