TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới

Các chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung nguồn lực, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên mới.

TP. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thành phố đang là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực và cả nước. Lĩnh vực văn hóa đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và từng bước phát triển các lĩnh vực mới như dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa để văn hóa đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thành phố này.

Trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng những nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị tăng cao, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, việc lựa chọn và chú trọng đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa dân tộc ra thế giới.

Khoảng 20.000 khán giả đã đổ về để tham dự Concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024.

Khoảng 20.000 khán giả đã đổ về để tham dự Concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' tại TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá, nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố rất thuận lợi. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn nhất cả nước, trong đó dân số trẻ, dân cư tập trung tại thành thị chiếm tỷ lệ cao; Đời sống, thu nhập bình quân đầu người của người dân đứng đầu cả nước

Trong những năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa đã thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực tham gia hoạt động, bao gồm nguồn lực lao động tại chỗ, thành phố còn thu hút rất nhiều lực lượng lao động hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, sản xuất, kinh doanh văn hóa, nghệ thuật, trong đó có cả Việt kiều, lao động người nước ngoài…

Nhân lực hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa là lực lượng lao động trẻ, có khoảng 90.000 người. Các lĩnh vực có số lượng nhân lực tập trung đông như quảng cáo có 38.576 người, triển lãm 21.658 người, du lịch văn hóa 9.725 người.

Về nguồn lực về cơ sở vật chất phục vụ công nghiệp văn hóa, hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ngoài các thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa cấp thành phố đến phường, xã, còn có hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ cho các lĩnh vực văn hóa, dịchvụ văn hóa.

Hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, sân khấu, bảo tàng, di tích được xếp hạng… là điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phố đang đầu tư xây dựng và lên kế hoạch các danh mục dự án đầu tư thiết chế văn hóa hiện đại như Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, xây dựng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống bảo tàng, nhà triển lãm… hiện đại, mang tầm quốc tế.

Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, Thành phố Hồ Chí Minh có các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa như các rạp chiếu phim, sân khấu kịch tư nhân, có trên 900 doanh nghiệp có đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (trong đó có khoảng 100 đơn vị hoạt động thường xuyên)… có sự phát triển với những mô hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng. Đồng thời, thành phố có hơn 51 không gian sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định, tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, tương xứng với trung tâm văn hóa của khu vực và cả nước. Thành phố thiếu những thiết chế văn hóa hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp văn hóa như nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, các tổ hợp vui chơi giải trí có quy mô, nhà triển lãm thiết chế văn hóa đa năng…

Làm gì để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Theo khảo sát số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có 17.670 doanh nghiệp, chiếm 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố.

Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 77.135 tỷ đồng.

Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của thành phố. Cụ thể, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2020 chiếm 3,54% tổng GRDP của toàn Thành phố. Đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước.

Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, sáng tạo trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa để hình thành thế hệ dẫn dắt, tạo động lực cho sự phát triển. Nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu, là yếu tố quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Tiếp đến, cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành phố có nhiều ưu thế sẵn có để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó phải tiếp tục tận dụng và phát huy các ưu thế này bằng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng.

Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển. Đồng thời, phát triển không gian sáng tạo để phát huy nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã xác định 12 ngành gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa là những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, dự kiến đến năm 2030 đóng góp 7% GDP của quốc gia.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-xay-dung-cong-nghiep-van-hoa-trong-ky-nguyen-moi-371686.html
Zalo