TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm tài chính quốc tế

Với nhiều nỗ lực chuẩn bị trong thời gian dài về cả hạ tầng công nghệ, pháp lý ưu tiên, ưu đãi và nhân lực chuyên trách, ngay trong quý đầu năm 2025, Trung tâm Tài chính Quốc tế TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu được xây dựng theo mô hình Fintech Hub, kỳ vọng tạo ra 'cú hích' mạnh mẽ cho thị trường tài chính – ngân hàng, không chỉ ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn nâng tầm nền kinh tế của cả quốc gia.

Nhiều ưu thế phát triển mô hình trung tâm fintech

Tính đến cuối tháng 12/2024, chủ trương xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính Khu vực tại Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị đồng ý. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các thủ tục triển khai với mục tiêu cơ bản hình thành sớm ngay trong quý I/2025.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng như UBND TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành tại địa phương đã tạo nên không khí sôi động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, rất nhiều hội thảo, hội nghị và diễn đàn liên quan đến phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế được tổ chức, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các fintech, tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho rằng nhiều khả năng Trung tâm Tài chính Quốc tế TP. Hồ Chí Minh sẽ được xây dựng theo mô hình Fintech Hub, thay vì phát triển theo mô hình trung tâm tài chính truyền thống.

Ông Khánh cho biết, hiện nay trên thế giới có 7 trung tâm tài chính quốc tế và khoảng 23 trung tâm tài chính quy mô khu vực. TP. Hồ Chí Minh đang được xếp vào top 40 các thành phố lớn trên thế giới phát triển mạnh về fintech và nằm trong danh sách 25 thành phố được xem là trung tâm fintech mới nổi. Vì thế, thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển mô hình Fintech Hub.

Để xây dựng một trung tâm tài chính theo hướng Fintech Hub, theo kinh nghiệm quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần đáp ứng 6 điều kiện chính: một hệ sinh thái khởi nghiệp fintech sôi động, nguồn nhân lực chất lượng cao, sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn danh tiếng, cơ chế dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm, một thương hiệu riêng cho trung tâm fintech, và chính quyền thân thiện để hỗ trợ tối đa cho các fintech phát triển.

Xét những điều kiện trên, đến thời điểm hiện tại, thị trường fintech và tài chính – ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng được khá nhiều “điều kiện cần”.

Hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech tại TP. Hồ Chí Minh rất sôi động. Hầu hết các lĩnh vực fintech đều hội tụ tại trung tâm tài chính phía Nam, với hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như blockchain, tài chính cá nhân, công nghệ chăm sóc sức khỏe, trung gian thanh toán, ngân hàng số, công nghệ bảo hiểm, công nghệ bất động sản, và các nền tảng gọi vốn. TP. Hồ Chí Minh cũng đã thu hút sự chú ý của các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ tài chính toàn cầu như Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts, Quỹ Blackstone, Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (ADIA), bên cạnh các thương hiệu quen thuộc như Samsung, Hyosung, Intel, Google, Amkor, Hana Micron, và Synopsys.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), nhận định rằng mô hình trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được xây dựng dựa trên các siêu mô hình đã có từ các trung tâm tài chính hiện hữu như London, New York, Frankfurt, Singapore, Hồng Kông, hay các trung tâm tài chính mới nổi với cơ chế chính sách đặc biệt như Dubai. Theo đó, việc phát triển mô hình Fintech Hub nhằm tận dụng nền tảng và lợi thế sẵn có sẽ được thúc đẩy. Đặc biệt, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain sẽ được đưa vào cơ chế thử nghiệm (sandbox) để áp dụng vào các hoạt động tài chính ngân hàng như cho vay ngang hàng, đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm.

Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Bên cạnh các yếu tố “phần cứng” về hạ tầng công nghệ, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp fintech và thu hút các tập đoàn lớn nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung mạnh mẽ vào đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tại Hội nghị công bố kết quả một số đề án thuộc Đề án Tổng thể Đào tạo Nhân lực Trình độ Quốc tế tháng 12/2024, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, khẳng định thành phố sẵn sàng đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để đào tạo nguồn nhân lực quốc tế. Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt chương trình phát triển vi mạch tại địa phương, giao nhiệm vụ thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD, nhằm đào tạo khoảng 40.000 kỹ sư đến năm 2030 (tương đương 6.000 kỹ sư/năm).

Trong một buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi đề xuất ngành Ngân hàng nghiên cứu các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn vay sinh viên các ngành công nghệ, tài chính, ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho Trung tâm Tài chính Quốc tế. Các chương trình này có thể được ngân sách địa phương hỗ trợ một phần lãi suất để triển khai hiệu quả và rộng khắp.

Thực tế, theo ghi nhận từ các sở, ngành, viện, trường và hệ thống ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, sự chuẩn bị cho Trung tâm Tài chính Quốc tế đã diễn ra rất rõ nét. Hàng loạt chương trình, đề án hướng về trung tâm tài chính đã được UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai liên tục trong vài năm gần đây, như Đề án xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo, Chiến lược Phát triển Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ.

Các trường đại học lớn như Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, và Đại học Kinh tế - Luật đã mở thêm các ngành học mới như fintech, quản trị dữ liệu, đồng thời tổ chức nhiều chuỗi sự kiện, cuộc thi ươm tạo nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp công nghệ tài chính.

Trong khi đó, thống kê sơ bộ cho thấy TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 150 doanh nghiệp fintech, phần lớn đang trông đợi các cơ chế pháp lý cởi mở để thử nghiệm các lĩnh vực công nghệ mới như thanh toán, vay mượn, thương mại điện tử và các ứng dụng số hóa, trí tuệ nhân tạo, blockchain.

Hệ thống ngân hàng thương mại tại TP. Hồ Chí Minh cũng đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số trong những năm gần đây, sẵn sàng thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới tại Trung tâm Tài chính Quốc tế.

Tất cả những diễn biến này cho thấy, bước sang năm 2025, thị trường tài chính – ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có những chuyển biến tích cực. Nhiều lĩnh vực mới, mô hình mới có thể chưa từng có tiền lệ sẽ xuất hiện, phát triển tại Fintech Hub TP. Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao vị thế và quy mô tài chính Việt Nam lên tầm cao mới.

Hồng Cường

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-160061.html
Zalo