TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới
Ngày 9/4, tại hội thảo khoa học 'Tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ', ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá tác động và chuẩn bị phương án ứng phó cho thành phố là cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, đặc biệt khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang đối mặt với rào cản thuế quan ngày càng siết chặt.
Mức thuế mới dự kiến ảnh hưởng đến tăng trưởng, chuỗi cung ứng và đầu tư
Ông Nguyễn Văn Được nhìn nhận chính sách thuế mới của Hoa Kỳ chắc chắn tác động rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% được Chính phủ giao cho TP. Hồ Chí Minh trong năm 2025. Chính vì vậy, thành phố muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành nghề về quy mô tác động, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế thành phố.

Ông Nguyễn Văn Được chủ trì Hội thảo
Phân tích chính sách thương mại hiện tại của Mỹ, GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng, Mỹ không còn đặt nặng yếu tố hợp tác hay ngoại giao, mà hướng đến lợi ích tuyệt đối cho nước này trong từng thương vụ. Việc áp thuế cao không đơn thuần là biện pháp bảo hộ mà là chiến thuật đàm phán kiểu “đòn phủ đầu” và buộc đối phương nhượng bộ.
Theo ông Ngọc Anh, mức thuế 46% đối với Việt Nam không chắc sẽ giữ lâu dài, nhưng là “cú đánh” ban đầu để Mỹ định vị lại mối quan hệ thương mại. Cú sốc từ mức thuế mới mà Mỹ đưa ra không chỉ với TP. Hồ Chí Minh mà có thể kéo theo khủng hoảng toàn cầu nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận.
Thực tế, Giáo sư Trần Ngọc Anh dẫn chứng thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn khi chứng khoán lao dốc gần 10% trong ba tuần qua. Chính vì vậy, có nhiều cảnh báo nguy cơ thế giới rơi vào suy thoái trong thời gian tới, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với các nền kinh tế có độ mở cao. Trong khi đó, các quốc gia như Mexico nhờ tham gia Hiệp định thương mại Bắc Mỹ đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng mới.
Cần giải pháp chính sách căn cơ để ứng phó
GS. Trần Ngọc Anh khẳng định, Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu, hai yếu tố mà Việt Nam không thể bỏ qua. Do đó, cần phải có giải pháp chính sách để việc duy trì kết nối với thị trường này không chỉ để xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tiếp cận vốn, công nghệ và thu hút các chuỗi giá trị cao.
Nêu ra 3 kịch bản về mức thuế Mỹ sẽ áp với Việt Nam sau khi đàm phán là: mức thuế vẫn giữ nguyên 46%, mức thuế giảm xuống một phần bằng 20 - 30% và đạt được mức đàm phán xuống 10 - 15%, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, đưa ra giải pháp để thành phố có thể tiếp tục tăng trưởng. Trong đó về giải pháp xuất - nhập khẩu, Viện đề xuất có sự đàm phán để thống nhất được "gói giải pháp song phương" nhằm hạ nhiệt căng thẳng, mục tiêu đưa mức thuế trung bình sau đàm phán đạt được như kỳ vọng; Minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, qua đó giúp tăng lượng hàng nhập khẩu công nghệ cao từ Hoa Kỳ một cách gián tiếp, đóng góp chung vào việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia, nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế cũng như vượt qua rào cản liên quan đến xuất khẩu công nghệ cao trực tiếp từ Hoa Kỳ.
Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi; Tăng xuất khẩu sang khu vực Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các quốc gia có mức trao đổi thương mại tăng trưởng ổn định liên tục hằng năm với Việt Nam như Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan; Đồng thời, phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN - RCEP - CPTPP, mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, mở kênh xuất khẩu gián tiếp qua Mỹ và tận dụng các FTA mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương đến thị trường này.

Các chuyên gia họp trực tuyến góp ý cho chính sách tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh
Bà Vũ Kinh Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, cần có thông tin hướng dẫn của Đảng và Nhà nước cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế thế giới đang thay đổi bất lợi cho nhiều nền kinh tế, nhất là nền kinh tế mở như Việt Nam.
Theo bà Hạnh, Việt Nam phải khuyến khích phát triển hàng hóa bản địa, giữ vững thị trường trong nước,… Song song đó đòi hỏi sự gắn bó hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
“Không có hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, bà Hạnh nói.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định, việc đánh giá tác động và chuẩn bị phương án ứng phó là cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, đặc biệt khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang đối mặt với rào cản thuế quan ngày càng siết chặt. Chúng ta có thể thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những động thái lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời. Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, đề xuất đưa mức thuế về 0%.
“TP. Hồ Chí Minh cam kết và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp đối phó với khó khăn trước mắt, đồng thời gia tăng khả năng mở rộng thị phần”, ông Được nói.