TP Hồ Chí Minh: Nhiều mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng ngày 11/9, tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Tọa đàm Trao đổi, nắm bắt thông tin về việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tình hình thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022; số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Tư pháp tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng trung ương cho biết: TP Hồ Chí Minh so với các địa phương đã thực hiện rất tốt, đều tay công tác tuyên truyền PBGDPL nhưng không có nghĩa là không có những khó khăn vướng mắc. Đây là lần đầu tiên, đoàn công tác của Bộ Tư pháp, với sự chủ trì của Cục PBGDPL, phối hợp cùng lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp để có thể lắng nghe và giái đáp nhiều vấn đề mà đại biểu tham gia tọa đàm đưa ra.
Quá trình điều hành Tọa đàm ông Lê Vệ Quốc luôn nhấn mạnh mong muốn được lắng nghe những chia sẻ thực tế, thật cụ thể của các địa phương, sở ban ngành, như việc truyền thông chính sách được chủ trì và thực hiện như thế nào, quy chế phối hợp, kết hợp với các ban ngành, các chuyên gia như thế nào, đã lấy ý kiến của người dân và các đối tượng bị tác động hay chưa... trước khi ban hành mỗi một văn bản.
Trong báo cáo phục vụ Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, qua hai năm thực hiện Đề án 407/QĐ-TTg, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã có những tác động, ý nghĩa nhất định nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách đối với toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Việc truyền thông dự thảo chính sách đã tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội...
Về đề án 997, xác định công tác triển khai đề án là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND TP, Hội đồng PBGDPL TP thực hiện nhiều công việc. Từ năm 2023 đến nay, Sở Tư pháp đã biên soạn và đăng tải 252 tài liệu tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến Đề án 97 trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh...
Tọa đàm đã lắng nghe các báo cáo, trình bày về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm và giải pháp kiến nghị của các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai công tác PBGDPL. Có thể nhắc đến các mô hình như quy chế phối hợp hiệu quả giữa các ban ngành, mô hình Trung tâm báo chí tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động phản biện trước khi ban hành văn bản...
Nhiều ý kiến khác cũng đưa ra các vướng mắc liên quan hạn chế về nhân sự, vấn đề về chi phí phù hợp cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cạnh đó, nhiều đại biểu đưa ra những vướng mắc khi ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền. Việc xuất hiện quá nhiều tin sai lệch, tin giả mạo trên mạng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền PBGDPL của các ban ngành.
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc chia sẻ, tọa đàm đã giúp đoàn công tác Bộ Tư pháp phần nào nắm được bức tranh toàn cảnh về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, về những điểm sáng, những mô hình hay cần nhân rộng, những gì còn chưa hoàn thiện và cần khắc phục. Ông Lê Vệ Quốc khẳng định, đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Bộ Tư pháp sẵn sàng hướng dẫn, tháo gỡ, tổ chức tập huấn để các địa phương có thể làm tốt hơn nữa công tác PBGDPL, với mục tiêu đem pháp luật đến gần dân, giúp người dân hiểu, quan tâm đến các văn bản, chính sách pháp luật hơn.