TP Hồ Chí Minh kiến tạo động lực mới từ kinh tế tư nhân

Sau 50 năm đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ trọn nhịp đập sôi động của một thành phố không ngừng chuyển mình. Những tòa nhà cao tầng vươn mình chạm trời, những khu công nghệ mới mọc lên trên vùng đất từng chỉ là cánh đồng trống trải. Đằng sau bức tranh phát triển đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.

Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ:"Từ năm 1986, khi Việt Nam đưa kinh tế tư nhân vào nền kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế đã hồi sinh. Tuy nhiên, phải đến bây giờ, vai trò của kinh tế tư nhân mới thực sự được nhìn nhận là động lực quan trọng nhất. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt, là một điểm tựa quan trọng, tạo niềm tin vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong khó khăn thì luôn luôn có sự sáng tạo. Sự sáng tạo của nghị quyết Đảng thời kỳ đầu Đổi mới đã thay đổi cách làm. Lúc đó, Thành phố Hồ Chí Minh lại đi đầu với những chương trình đột phá, tạo ra một bước ngoặt, một bước nhảy cho đất nước chúng ta. Từ đó, bắt đầu có sự quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân."

Bức tranh phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ngày nay đầy sắc màu tươi sáng, nhưng cũng không thiếu những gam màu thách thức, vẫn còn nhiều rào cản đang âm thầm kìm hãm bước tiến của các doanh nghiệp tư nhân.

PGS.TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) chỉ ra rằng, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng sau bốn thập kỷ đổi mới, nhưng để thực sự bứt phá, vẫn cần những cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

"Mặc dù bốn thập kỷ cải cách chúng ta đã tạo ra những bước tiến phải nói là rất đáng trân trọng và có thứ bậc so với trước đây, nhưng nếu để quốc gia trở thành một quốc gia hùng cường thì với điều kiện hiện tại, tôi khẳng định là chưa đủ. Ví dụ, qua nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh phải chịu chi phí về logistics lên đến 25%, trong khi ở Thái Lan chỉ 12%, tức là gấp đôi. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy? Chưa kể, đường sá hay tắc nghẽn, mất hàng tiếng đồng hồ để đi lại ở Thành phố."

PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore.

PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore.

PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, nếu muốn khơi thông dòng chảy phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải hành động quyết liệt hơn nữa. Không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hiện hữu, TP.HCM cần có tầm nhìn xa hơn: chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa quy trình hành chính, phát triển logistics hiện đại, cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị để trở thành một trung tâm kết nối kinh tế hàng đầu của khu vực.

"Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại toàn bộ các điểm nghẽn của 35 ngành công nghiệp, đi sâu vào từng ngành. Nếu chỉ tập trung vào mấy thủ tục chung chung thì có thể Việt Nam cũng đã khá rồi, chứ không phải kém. Nhưng những điểm nghẽn mà tôi nghiên cứu cho từng ngành cụ thể, từ bất động sản đến ngành cơ khí, ngành điện tử, mỗi ngành đều có những điểm nghẽn đó, mà không tháo gỡ thì doanh nghiệp không phát triển được. Nó giống như việc thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, phải giải phóng về đất đai thì nông nghiệp mới bùng lên được. Những chuyện này là rất quan trọng. Khảo sát để đưa ra một hệ thống kiến nghị mà nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì lực lượng sản xuất sẽ được giải phóng, phát triển rực rỡ và sẽ là bài học lớn cho cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ một lần nữa đóng vai trò tiên phong của đổi mới lần thứ hai, tức là xây dựng một Việt Nam hùng cường trên một thể chế có sức cạnh tranh rất cao với thế giới, chứ không phải chỉ là phá rào như Đổi mới lần thứ nhất."

Việc định hướng hợp nhất không gian địa kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là chiến lược mở rộng "siêu vùng kinh tế" lớn nhất cả nước, tích hợp cả công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics quốc tế và cảng biển trung chuyển.

Trong không gian địa chính trị mới này, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, mà còn từng bước khẳng định vai trò trong mạng lưới các đô thị kinh tế năng động của khu vực và thế giới.

50 năm sau ngày thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tràn đầy sức sống, khát vọng và sự đổi mới không ngừng. Và lần này, cánh buồm mới đang được căng gió bởi sức mạnh nội sinh của hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân – những người dám nghĩ, dám làm, dám vươn xa, cùng viết tiếp khát vọng vươn mình của một Việt Nam hùng cường.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/tp-ho-chi-minh-kien-tao-dong-luc-moi-tu-kinh-te-tu-nhan-102250429194040903.htm
Zalo