TP. Hồ Chí Minh: Kiến nghị xử lý vi phạm để trống, bỏ hoang đất khi được Nhà nước giao, cho thuê
Theo Sở Tài nguyên và Môi Trường TP. Hồ Chí Minh, hành vi để trống, không sử dụng đất liên tục trong 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm đối với đất được Nhà nước giao quản lý cần đưa vào Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 (thu hồi đất).

Sân Pickleball xây dựng trên đất thuộc Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Long A, TP. Thủ Đức) dù khu vực này UBND phường Phước Long A cấm bảng yêu cầu "giữ nguyên hiện trạng". Ảnh: Quang Phương
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 1467/STNMT-QLĐ ngày 17.2 về xử lý hành vi để đất trống khi giải quyết hồ sơ sử dụng đất, gửi Bộ TN-MT.
Theo Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh, khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Sở TN-MT gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Sở TN-MT nhận thấy có nhiều trường hợp người sử dụng đất để đất trống, không sử dụng, mặc dù vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng không thực hiện đúng theo mục đích được giao đất, thuê đất, gây lãng phí tài nguyên đất.
Trên thực tế áp dụng pháp luật, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP ngày 4.10.2024 của Chính phủ. Do đó, không có cơ sở thu hồi đất theo khoản 1 Điều 81 và khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai 2024. Các trường hợp này đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn sử dụng đất do hết thời hạn sử dụng đất mà không phải để thực hiện dự án đầu tư nên không thuộc trường hợp áp dụng theo khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024.
Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 47 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, “cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất có trách nhiệm” … b) xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất và xây dựng kế hoạch, biện pháp để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất… c) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, các hành vi gây lãng phí đất.
Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 53 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013: “hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên”, gồm có: sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao; không xây dựng biện pháp thực để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí…

Theo Sở TN-MT TP. Hồ Chí MInh cần đưa hành vi vi phạm để đất trống, không sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm đối với đất được Nhà nước giao quản lý cần đưa vào Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 (thu hồi đất). Ảnh: Quang Phương
Điểm a khoản 2 Mục II Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25.12.2023 của Bộ Chính trị…có nội dung: …hoàn thiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai…
Tại điểm a khoản 4 Mục II Chương trình hành động của Chính phủ (nêu trên), nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia bao gồm: khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường.
Từ đó, để áp dụng thống nhất khi giải quyết hồ sơ đất đai, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TN-MT hướng dẫn làm rõ hành vi người sử dụng đất để đất trống, không sử dụng, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao có được coi là hành vi vi phạm đất đai hay không, có là căn cứ để thu hồi đất không, nếu có thì xử lý theo điều, khoản nào của pháp luật?
Trường hợp không áp dụng theo các quy định của pháp luật hiện hành, Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh cho rằng để thực hiện đúng quy định pháp luật và Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26.6.2024 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần bổ sung quy định “hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất” (như: để đất trống, không sử dụng, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao…) vào Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Và, bổ sung thêm trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 “đất được Nhà nước giao quản lý mà để trống, không sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm”.