TP. Hồ Chí Minh khai mạc Lễ hội Khai Hạ - Cầu An
Lễ hội Khai Hạ - Cầu An là sự kiện văn hóa truyền thống của TP. Hồ Chí Minh, được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán hàng năm với hàng loạt hoạt động như triển lãm ảnh nghệ thuật - kiến trúc, viết thư pháp, múa lân, dân ca Nam bộ, đờn ca tài tử, hát bội…
Lễ hội xuất phát từ việc Đức tả quân Lê Văn Duyệt lúc đương thời đã chọn ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày Hạ nêu) làm ngày khai Hạ. Đồng thời, cũng là ngày khai sơn, khai quốc, khai ấn để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Trong lễ hội sẽ có lễ Dựng nêu và lễ Thượng Kỳ để đến đầu năm thì làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hàng ngày. Lễ Hạ nêu hay là Lễ Khai hạ - Cầu an, Khai sơn, Khai bút hay Khai ấn, tức là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng hay đến công sở theo kế sinh nhai.
Ngay sau lễ khai hội, Lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, như triển lãm ảnh nghệ thuật - kiến trúc, viết thư pháp, múa lân, dân ca, đờn ca tài tử, hát bội… Trước đó, Ban Tổ chức đã tổ chức các nghi lễ truyền thống, như mời trầu, rượu và tặng lộc, khai bút, khai ấn, dâng hương… Đây là những nghi lễ không thể thiếu của lễ hội.
Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) là quần thể kiến trúc tọa lạc trên khu đất rộng 18.500 m2, có tường bao quanh dài 500m, bao gồm đền thờ và mộ phần của Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) cùng vợ là bà Đỗ Thị Phận. Ông là vị tướng tài ba có công lớn với triều đình nhà Nguyễn, từng phục vụ dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng.
Ngày 6.12.1989, Bộ Văn hóa đã công nhận Lăng Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu) là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia; ngày 4.4.2022 Lễ hội "Khai Hạ - Cầu An" tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong khuôn khổ lễ hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cùng Ban Tổ chức Lễ hội đã phát động Tết Trồng cây - một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa của dân tộc.