Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Trong đó phải kể đến các lễ hội như: cầu mưa, bỏ mả, cúng bến nước, mừng cơm mới… Và tôi đặc biệt ấn tượng với lễ trưởng thành của người Jrai.

 Lễ trưởng thành của một thiếu niên Jrai. Ảnh: N.V.D

Lễ trưởng thành của một thiếu niên Jrai. Ảnh: N.V.D

Lễ trưởng thành được các gia đình tổ chức cho con trai từ tuổi 15 trở lên, khi mà trong nhà đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các loại thực phẩm cũng như nghi thức cần thiết.

Để có một lễ trưởng thành đủ đầy các nghi thức, gia chủ phải chuẩn bị trước cả vài tháng, thậm chí cả năm trời.

Trong thời gian ấy, họ phải nuôi bò, nuôi heo cho tốt để có thực phẩm chính trong ngày lễ. Rượu thì ủ rượu gạo, rượu bắp hay rượu mì, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Nhưng điểm chung của những ché rượu ấy là phải do chính tay người phụ nữ trong gia đình ủ, đủ 7 ché.

Men được làm từ rễ cây trong rừng. Do vậy, hương vị rượu thật đặc biệt, không chỉ ngọt nhẹ dễ uống mà còn sóng sánh thơm nồng, khi thưởng thức đượm sâu nhưng không bị đau đầu, mệt mỏi.

Trang phục cho nhân vật chính của buổi lễ cũng được chuẩn bị kỹ càng: áo thổ cẩm được bà hoặc mẹ dệt từng sợi và may thành áo rất tỉ mỉ, kỳ công như gửi gắm cả nỗi lòng của người dệt.

Trong buổi lễ cũng không thể thiếu một chú gà trống tơ lông vàng óng, mào đỏ chót, chân đủ ngón màu vàng tươi, khỏe khoắn, cường tráng như ngầm thể hiện cho tuổi trẻ và sức mạnh của chàng trai đang độ trưởng thành.

Trong quá trình tham dự lễ trưởng thành của người Jrai cùng với gia đình học trò, tôi đã có dịp tìm hiểu kỹ về mục đích, ý nghĩa của buổi lễ. Khi hiểu ra tôi càng cảm thấy thấm thía, yêu hơn con người và mảnh đất nơi đây. Mặc dù cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả nhưng đời sống tinh thần lại vô cùng phong phú, sinh động và đặc biệt sâu sắc, nhân văn.

Sau khi các món thức cần thiết đã được chuẩn bị xong, bài trí đâu ra đó thì thầy cúng (không nhất thiết phải là thầy cúng mà có thể là già làng) bắt đầu làm lễ.

Hương được đốt lên, thầy cúng lầm rầm những lời nói nhỏ trước chàng trai đang ngồi nghiêm trang trong trang phục thổ cẩm truyền thống vừa được mẹ mặc lên người. Tôi đặc biệt ấn tượng với không khí trang nghiêm của buổi lễ.

Cuối buổi, khi mọi thủ tục đã hoàn tất thì mọi người cùng thưởng thức các món ăn được gia đình sửa soạn. Tôi được các bậc cao niên trong làng giải nghĩa lại nội dung của lời khấn mà tôi nghe câu được câu chăng ấy.

Đó là mọi người trong gia đình, trong cộng đồng cư dân mong cho chàng trai-nhân vật chính trong lễ trưởng thành có được sức khỏe cường tráng, mạnh mẽ như bước chân của những chú voi rừng, chú gà rừng, như chàng Đăm Săn của miền sử thi; suy nghĩ thì chín chắn, trưởng thành hơn, có thể làm chỗ dựa cho mọi người, đặc biệt là cho gia đình nhỏ của mình; sự học sẽ được hanh thông, thuận lợi, đỗ đạt và công việc tốt đẹp về sau.

Mỗi lần được dự lễ trưởng thành của học trò là mỗi lần lòng tôi dâng lên nhiều nghĩ suy, cảm xúc. Thiết nghĩ, những nghi lễ như thế cần được lưu giữ và nhân rộng trong cộng đồng cư dân để giữ gìn bản sắc và giáo dục các thế hệ trẻ sống phải có niềm tin, là điểm tựa vững chắc cho gia đình, cho cộng đồng.

NINH VĂN DẬU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhan-van-le-truong-thanh-cua-nguoi-jrai-post310295.html
Zalo