TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Trong 4 tháng đầu năm 2025, TP Hồ Chí Minh chỉ mới giải ngân được 6.607 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,9% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025, chưa đạt kế hoạch đề ra. Do đó, TP đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm để giải ngân vốn đầu tư công.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 202.000 tỷ đồng

Ngày 8/5, các Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường và Nguyễn Văn Dũng đồng chủ trì phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 4; nhiệm vụ, giải pháp tháng 5/2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan kết luận phiên họp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan kết luận phiên họp.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai thông tin về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của TP vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước. Thành tích này là minh chứng cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN của TP.

Về kinh tế, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 202.000 tỷ đồng, đạt 38,88% dự toán, tăng 3,76% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,124 tỷ USD (tăng 9,07%). Tổng thu du lịch ước đạt 76.581 tỷ đồng (tăng 27,5%); khách quốc tế đạt trên 2,3 triệu lượt (tăng 26,2%); khách nội địa đạt trên 11,6 triệu lượt (tăng 7,1%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,9%; trong đó chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 7,7%, 3 ngành công nghiệp truyền thống ước tăng 13,6%. Thu hút FDI được khoảng 1,48 tỷ USD (tăng 77,7%).

Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, kế hoạch đầu tư công của TP Hồ Chí Minh năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ giao 85.517,052 tỷ đồng, tăng 8% so với Kế hoạch đầu tư công năm 2024 (79.263,776 tỷ đồng), chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư công của cả nước (825.922 tỷ đồng). TP đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên, phấn đấu giải ngân đạt 100% trên tổng số vốn này.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, từ cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP chỉ đạo thực hiện và ban hành nhiều nội dung liên quan thể chế, điều hành quản lý nguồn vốn đầu tư công; trong đó tập trung xử lý các vướng mắc, tồn tại trong phạm vi thẩm quyền của TP để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến cuối tháng 4/2025, theo số liệu Kho bạc Nhà nước khu vực II cung cấp, đã giải ngân 6.607 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 7,9% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025), chưa đạt kế hoạch đề ra.

Tập trung giải quyết thủ tục đầu tư dự án trọng điểm để giải ngân vốn

Do đó, để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo kế hoạch, TP tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án có khả năng đẩy nhanh để giải ngân được số vốn lớn (khoảng 35.000 tỷ đồng). Cụ thể, 4 dự án BOT với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), gồm: nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương).

Ngoài ra, còn có dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, như: dự án “Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh”, dự kiến giải ngân 5.561 tỷ đồng và dự án “Xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh), dự kiến giải ngân 871 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tại TP ước đạt trên 202.000 tỷ đồng, đạt 38,88% dự toán.

Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước tại TP ước đạt trên 202.000 tỷ đồng, đạt 38,88% dự toán.

Bên cạnh đó, còn có 9 dự án đã có kế hoạch giải ngân với quy mô vốn lớn (khoảng 16.873 tỷ đồng) chưa có vướng mắc phát sinh, gồm: dự án “Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài giai đoạn 1” gồm 3 dự án thành phần (DATP), tổng vốn dự kiến giải ngân trong năm 2025 là 6.012 tỷ đồng; dự án “Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn), dự kiến giải ngân 3.844 tỷ đồng; dự án “Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, dự kiến giải ngân 1.272 tỷ đồng; dự án “Xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức, dự kiến giải ngân 1.084 tỷ đồng; DATP 1 thuộc dự án “Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc), dự kiến giải ngân 4.400 tỷ đồng; 2 dự án Vành đai 2, dự kiến giải ngân 1.015 tỷ đồng. Trong đó, DATP 3 cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài phải được duyệt phương án BTGPMB trong tháng 6/2025, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn của dự án.

Ngoài những dự án trọng điểm nêu trên, TP cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân 13 dự án khác, như: nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh); mua sắm trang thiết bị Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật); nâng cấp, mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21; dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa (giai đoạn 3)...

Cần theo dõi, đốc thúc chủ đầu tư thi công đúng tiến độ

Kết luận phiên họp, về những khó khăn khi sáp nhập, lúc đó phải đổi tên dự án, chủ đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị, trước khi sáp nhập vẫn giữ nguyên tên, địa chỉ đơn vị để tiếp tục triển khai dự án nhằm ổn định, chỉ khi nào cần mới điều chỉnh. Từ những khó khăn các đồng chí nêu ra, tôi đề nghị Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính nghiên cứu có 1 quyết định hành chính của TP để tất cả các dự án của TP mang tính ổn định. Đối với các đơn vị thi công thuộc Nhà nước, do thiếu vốn nên mượn đầu này đắp đầu kia, cần phải bơm vốn để họ đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian, có như vậy sẽ tiết kiệm được ngân sách Nhà nước. Đối với các đơn vị có các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra thì Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Sở Tư pháp, Thanh tra TP khẩn trương trong tháng 5/2025, tất các các dự án này phải có kế hoạch thực thi.

Đối với các dự án trọng điểm (dự án lấn biển, cầu đi bộ) đã khởi công thì Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan cần theo dõi, đốc thúc các chủ đầu tư triển khai thi công đúng tiến độ đề ra. Đối với các quy hoạch phân khu 1/2000 ở TP Thủ Đức phải ký trước khi tổ chức đơn vị hành chính không còn, để sau này chuyển về đơn vị khác lại bắt đầu lại từ đầu. Còn các quận, huyện phải làm dự thảo quyết định phê duyệt, kèm theo đầy đủ hồ sơ về đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 của từng phân khu.

Về tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ cần rà soát lại các quyết định phân cấp, ủy quyền. Cần tham mưu cho UBND TP ra quyết định ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, thủ trưởng các sở, ngành trong việc xem xét, quyết định giải quyết các chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ hưu.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem.697739.html
Zalo