TP. Hồ Chí Minh: Ban Dân nguyện đề nghị xem xét tháo gỡ cho Tổng kho dự trữ 450.000 m3 xăng dầu đang bị bỏ hoang
Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn liên quan đến công trình trọng điểm Tổng kho dự trữ 450.000 m3 xăng dầu đang bị bỏ hoang tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kho dự trữ xăng dầu cực kỳ chiến lược
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu, Ban Dân nguyện có nhận được đơn từ Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam với nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước để hoàn chỉnh các hạng mục công trình còn dở dang của dự án Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè (2711 Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) do Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam đầu tư xây dựng.
Do đó, Ban Dân nguyện chuyển đơn và tài liệu kèm theo của Công ty CP Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, tại buổi Tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng đề cập tới dự án này.
Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Làm công tác dân nguyện có đơn thư, đặc biệt các đơn thư quan trọng liên quan tầm Quốc gia, tôi trực tiếp đến hiện trường. Vừa qua, tôi có khảo sát hai dự án về dự trữ xăng dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Trị.
Dự án TP. Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần kho cảng xăng dầu hàng không miền Nam triển khai dự án kho và cảng là 12.000 tỷ, đã chuẩn bị từ năm 2016, được Chính phủ phê duyệt, nằm trong phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
“Đây là dự án đất nước, dự kiến nếu được cấp vốn đầy đủ thì sẽ dự trữ 230.000 m3 vào tháng 12 năm nay và đến tháng 6.2024 sẽ hoàn thành kho dự trữ 450.000 m3, giúp tăng dự trữ thương mại khoảng 16 ngày tiêu thụ khu vực phía Nam và 45 ngày tiêu thụ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kho dự trữ xăng dầu cực kỳ chiến lược”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Giám sát tổ chức tín dụng nếu làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Quốc gia
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, có một số lý do khiến tiến độ bị chậm trễ. Thứ nhất là do dịch Covid- 19 đúng lúc triển khai. Có thể nói, dự án rất đặc biệt, doanh nghiệp đã đầu tư được 80% vật tư thiết bị, đầu tư cảng rất bài bản nhưng đến giữa chừng bị tắc nghẽn, máy móc đầy đủ nhưng bây giờ là một bãi hoang tàn.
“Theo đơn thư thực tế, chúng ta đang làm khó doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vì thế, tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo tiếp, bên cạnh đó cũng trao đổi với Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo, sắp tới cần thiết giám sát tổ chức tín dụng này. Nếu tổ chức tín dụng bất chấp không thực hiện hợp đồng sẽ thì ảnh hưởng đến vấn đề chung, bởi vì xăng dầu cũng là an ninh Quốc gia.
Chúng tôi nhận đơn thư các doanh nghiệp về hoạt động tín dụng, vốn nhận thấy đây là vấn đề lớn, nếu không có thì không thể làm kho dự trữ xăng dầu. Quy hoạch đã có, vấn đề quan trọng Nhà nước chỉ lo cho 1.500 tỷ trong 4.100 tỷ hàng năm, nếu không dựa vào doanh nghiệp thì sao? Đây là vấn đề có liên kết, liên thông rất chặt chẽ. Cho nên vai trò Nhà nước thể hiện rất rõ, không chỉ chỉ đạo điều hành, mà còn thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu”.
"Chúng tôi nhận đơn thư các doanh nghiệp về hoạt động tín dụng, vốn nhận thấy đây là vấn đề lớn, nếu không có thì không thể làm kho dự trữ xăng dầu. Quy hoạch đã có, vấn đề quan trọng Nhà nước chỉ lo 1.500 tỷ trong 4.100 tỷ hàng năm, nếu không dựa vào doanh nghiệp thì sao? Đây là vấn đề có liên kết, liên thông rất chặt chẽ. Cho nên, vai trò Nhà nước thể hiện rất rõ, không chỉ chỉ đạo điều hành, mà còn thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu", TS. Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề tại buổi tọa đàm.
Liên quan đến công trình Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng được Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh, lãnh đạo Công ty CP Kho cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam (chủ đầu tư công trình) cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản số 8393/BCT-KHTC của Bộ Công thương về việc báo cáo tình hình triển khai đầu tư công trình xây dựng
Theo Văn bản của Bộ Công thương gửi Công ty CP Kho cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam, quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 13.7.2017, trong đó có địa TP. Hồ Chí Minh quy hoạch Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) với tổng sức chứa 450.000m3, giai đoạn 1 là 230.000m2.
Triển khai thực hiện quy hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 4112100152 (chứng nhận lần đầu ngày 27.4.2022 và chứng nhận thay đổi lần 1 ngày 15.6.2013) cho Công ty CP Kho cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam để đầu tư dự án kho xăng dầu nêu trên với quy mô giai đoạn 1 là 230.000m3.
Ngày 7.12.2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8223/VPCP-CN thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công thương xử lý đối với các vấn đề liên quan đến thông tin báo chí và dư luận nêu thời gian vừa qua về Tổng kho dự trữ xăng dầu bị bỏ hoang.
Trước đó, ngày 16.11.2022 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7739/VPCP-KTTH gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét xử lý theo thẩm quyền, trả lời cho Công ty Cổ phần Kho cảng xăng dầu hàng không Miền Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 20.11.2022.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng được sự quan tâm của UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở ban ngành có liên quan, các cơ quan chuyển đơn đến đơn vị liên quan xử lý.
Tuy nhiên tới nay, công trình trọng điểm này hiện rơi vào tình trạng bỏ hoang hơn 3 năm nay, nhiều hạng được xây dựng bài bản đang xuống cấp trầm trọng, sắt thép, bồn chứa, cầu cảng hoen rỉ..., "mòn mỏi" chờ giải cứu.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.