Phân loại rác tại nguồn: Người dân còn lúng túng, chờ hướng dẫn

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế những ngày đầu thực hiện quy định mới này cho thấy vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc.

Không phân loại rác có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng giúp bảo vệ môi trường và giảm áp lực lên khâu xử lý rác thải. Việc phân loại đúng cách giúp tối ưu hóa quy trình tái chế và xử lý, qua đó tận dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực trạng phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn nhiều bất cập.

Theo thống kê, hiện mỗi ngày trên cả nước phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi chi phí thu gom và xử lý rất lớn, lên đến 3,35 triệu USD/ngày. Tuy vậy, chỉ có khoảng 16% lượng rác được chế biến thành phân compost và 19% được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tái chế, còn lại phần lớn vẫn phải chôn lấp. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Theo quy định, mỗi nơi thu gom cần có 3 thùng rác.

Theo quy định, mỗi nơi thu gom cần có 3 thùng rác.

Để tận dụng nguồn tài nguyên rác và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhiều quy định pháp luật đã được ban hành, trong đó có việc phân loại rác tại nguồn. Đơn cử như, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định từ ngày 1/1/2025, mọi cá nhân và hộ gia đình bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn. Trong trường hợp không tuân thủ đúng quy định, cá nhân có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, còn các tổ chức sẽ bị xử phạt nặng hơn, từ 20 - 30 triệu đồng.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, Thông tư 35/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định, từ ngày 3/2/2025, các đơn vị thu gom rác sẽ được phép từ chối tiếp nhận chất thải không được phân loại hoặc sử dụng các bao bì không phù hợp. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, cũng như các tổ chức trong việc quản lý, xử lý rác thải.

Phân loại rác thải tại nguồn không chỉ giúp giảm khối lượng rác phải xử lý mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việc tái chế, tái sử dụng rác thải không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên mà còn tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp tái chế, tăng cơ hội việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trao đổi với PetroTimes về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết, Nghị định 45/2022/NĐ-CP đưa ra quy định bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải, đảm bảo môi trường.

Theo Ths. Hoài, trước hết, phân loại rác tại nguồn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu gom và xử lý rác. Chất thải đã được phân loại sẽ giúp các đơn vị thu gom và xử lý tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả của các công nghệ xử lý. Các loại rác tái chế có thể được thu gom riêng miễn phí, giảm gánh nặng cho người dân và cơ quan chức năng.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.

Cũng theo Ths. Hoài, việc phân loại rác tại nguồn sẽ thúc đẩy quá trình tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác sẽ có thể áp dụng công nghệ phù hợp hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Việc này còn giúp tiết kiệm diện tích chôn lấp, giảm chi phí xử lý rác từ ngân sách nhà nước.

Lúng túng trong phân loại rác tại nguồn

Hiện nay, Hà Nội đứng thứ hai cả nước, sau TP HCM về lượng rác thải sinh hoạt mỗi ngày với hơn 7.000 tấn. Từ ngày 1/1/2025, người dân Hà Nội bắt đầu thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Theo quy định, rác sinh hoạt hàng ngày sẽ được chia thành 4 loại. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, việc phân loại rác vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Người dân vẫn bỏ chung tất cả các loại rác để thu gom và xử lý, dẫn đến hiệu quả phân loại chưa đạt yêu cầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tòa chung cư Tân Việt (huyện Hoài Đức, Hà Nội), các hộ gia đình chưa có nhiều lựa chọn, vẫn bỏ chung rác thải vào một ống dẫn rác duy nhất của từng tầng, sau đó rác sẽ rơi xuống thùng rác chung tại nhà chứa rác nằm ngay dưới chân tòa chung cư.

Khu vực đổ rác tại chung cư Tân Việt, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Khu vực đổ rác tại chung cư Tân Việt, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Bà Ngô Thị Thuận sinh sống tại chung cư Tân Việt cho biết, hiện chung cư chỉ có một ống đổ rác tại mỗi tầng của căn hộ nên các hộ gia đình có phân loại hay không thì rác cũng qua đường ống duy nhất này để xuống kho chứa rác. Chính vì vậy, nhiều người không quan tâm đến việc phân loại rác mà chỉ mở cửa ống rồi cho bịch rác vào.

"Mặc dù luật đã có hiệu lực nhưng ở khu dân cư chúng tôi gần như chưa triển khai thực hiện gì. Người dân thích thì phân loại không thì cứ mang rác thả xuống thùng chung. Hiện tại, người dân gần như chưa có ai thực hiện phân loại rác, trong khi đơn vị thu gom vẫn thu gom rác trộn lẫn", bà Thuận cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Đạt sinh sống tại chung cư Đông Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù chưa có hướng dẫn và thông báo cụ thể về phân loại rác, gia đình tôi đã tự phân loại từ nhiều năm nay. Ông cho biết, việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp giảm tải áp lực trong khâu xử lý rác thải cho các công ty vệ sinh môi trường. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ phương pháp triển khai, đầu tư hạ tầng phù hợp, nâng cao ý thức của người dân để quy định này sớm đi vào cuộc sống.

Nâng cao nhận thức phân loại rác

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức phạt khá cao đối với các hành vi vi phạm quy định về phân loại rác tại nguồn nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho cá nhân, tổ chức tuân thủ. Điều này góp phần thay đổi hành vi và thúc đẩy việc phân loại rác trở thành thói quen tự giác của người dân.

Tuy nhiên, theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài, để triển khai thực hiện Nghị định, các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hạ tầng thu gom, vận chuyển rác thải sau phân loại chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật phân loại rác còn hạn chế. Đây là những thách thức cần được giải quyết để đảm bảo Nghị định được triển khai thành công.

Để thực hiện tốt Nghị định 45/2022/NĐ-CP, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài kiến nghị: Trước tiên, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn, định hướng cho các địa phương trong việc lựa chọn các mô hình thu gom, vận chuyển và đầu tư hạ tầng thu gom, lưu trữ, vận chuyển phù hợp.

Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông qua việc hoàn thiện cơ chế thúc đẩy mô hình đối tác công tư, nhằm huy động nguồn lực tư nhân giúp giảm áp lực ngân sách cho công tác quản lý chất thải. Đồng thời, cần hoàn thiện quy định thúc đẩy phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, các quy định về kiểm định, công bố thông tin, chất lượng của các sản phẩm tái chế để người tiêu dùng yên tâm về sự an toàn và tin tưởng sử dụng.

Các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết, bãi trung chuyển chất thải đã phân loại một cách hợp lý, vừa đảm bảo về khoảng cách an toàn với khu vực dân cư, vừa thuận tiện trong công tác vận chuyển đến nơi tái chế, tái sử dụng, xử lý.

Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và giám sát các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với địa phương. Trong công tác này, vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn là rất quan trọng trong thực tế triển khai và phát huy hiệu quả.

Cuối cùng, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và trách nhiệm phân loại chất thải rắn tại nguồn đến người dân, tổ chức với đa dạng hình thức tổ chức tập huấn, hướng dẫn phân loại trực tiếp, trên kênh phát thanh các tổ dân phố... Đồng thời, cần bổ sung các quy định về khen thưởng trong việc tố giác các vi phạm về việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, tạo cơ chế chủ động điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức.

“Việc phân loại rác tại nguồn là khâu đầu tiên quan trọng và cấp bách trong công tác quản lý và xử lý rác thải. Để thực hiện thành công, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị thu gom rác và ý thức tự giác của các cá nhân, tổ chức”, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-nguoi-dan-con-lung-tung-cho-huong-dan-722993.html
Zalo