TP.HCM thành lập Sở Giao thông Công chánh
Sở Giao thông Công chánh TP.HCM được thành lập từ Sở GTVT; tiếp nhận 1 số chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông.
Chiều 20/2, HĐND TP.HCM thông qua 7 Nghị quyết thành lập hàng loạt sở mới sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Theo Nghị quyết, UBND TP.HCM sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các sở. Cụ thể, Sở Giao thông Công chánh được tổ chức lại từ Sở Giao thông Vận tải, đồng thời tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông TP.
Sở Tài chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và tiếp nhận Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.

Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định cho đại diện các đơn vị. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Sở Khoa học và Công nghệ hình thành từ việc hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Xây dựng được thành lập từ việc hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Sở Nội vụ hình thành từ sự hợp nhất giữa Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Dân tộc và Tôn giáo được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc thuộc UBND TP.
Sau khi sắp xếp, TP.HCM sẽ có 15 cơ quan chuyên môn, bao gồm: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chánh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở An toàn thực phẩm, Văn phòng UBND TP và Thanh tra thành phố.
Như vậy, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM sẽ giảm từ 21 xuống còn 15, trong đó Sở An toàn thực phẩm được duy trì theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù.