Hướng phát triển khi sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Cử tri Bình Tân băn khoăn trong việc đồng bộ phát triển khi sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngày 21-4, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 6 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân, TP.HCM, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tổ ĐBQH đơn vị 6 bao gồm ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM; ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy.

 Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (phường Bình Hưng Hòa B) phát biểu. Ảnh: HỒNG THẮM

Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (phường Bình Hưng Hòa B) phát biểu. Ảnh: HỒNG THẮM

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (phường Bình Hưng Hòa B) đã bày tỏ một số trăn trở liên quan đến việc đề xuất sáp nhập TP.HCM với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Ngữ cho rằng việc mở rộng không gian đô thị sẽ tạo cơ hội phát triển lớn hơn, tận dụng thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về những thách thức khi ba địa phương này có đặc điểm kinh tế, dân cư và hạ tầng khác biệt, điều này có thể dẫn đến tình trạng "chồng chéo" trong phát triển, thiếu sự đồng bộ.

Ông Ngữ lý giải: “TP.HCM hiện có GDP khoảng 70 tỷ USD, dân số gần 10 triệu người, cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại – dịch vụ chiếm tới 70%, trong khi nông nghiệp chưa tới 1%. Ngược lại, Bình Dương mạnh về công nghiệp, còn Vũng Tàu lại nổi bật trong công nghiệp xây dựng và khai thác tài nguyên. Mỗi nơi có thế mạnh riêng, liệu việc phối hợp có nhịp nhàng hay không, hay sẽ gây dàn trải, làm yếu đi lợi thế vốn có của từng địa phương".

Cũng theo ông Ngữ, sau khi sáp nhập, diện tích của các tỉnh sẽ lớn, dân cư không đồng đều, và trình độ dân trí cũng có sự chênh lệch. Nếu không tính toán kỹ, việc kết nối hạ tầng không đồng bộ có thể dẫn đến sự dàn trải và thiếu hiệu quả.

 Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: HỒNG THẮM

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: HỒNG THẮM

Liên quan đến những ý kiến của cử tri về việc sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, khẳng định rằng việc này phải được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên các yêu cầu thực tiễn, yếu tố lịch sử và quy hoạch.

Ông nhấn mạnh: Chúng ta nói nhiều về liên kết vùng, sắp xếp để mở rộng không gian vùng, tạo điều kiện phát triển, cộng với đó là cải cách hành chính, giảm các bước trung gian, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tinh giảm biên chế, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới. Nếu TP.HCM sáp nhập với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, sẽ mở ra một hướng phát triển mới về phía biển.

TP.HCM đã khởi công xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô lớn, đồng thời đang chuẩn bị xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại đây. Hướng phát triển này sẽ kéo dài sang Vũng Tàu, với hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối qua Cần Giờ, liên kết các cảng để tạo thành một quần thể cảng quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, mở rộng hoạt động vận tải biển và logistics.

 Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngày 21-4. Ảnh: HỒNG THẮM

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngày 21-4. Ảnh: HỒNG THẮM

Về lĩnh vực du lịch, ông Hải cho biết TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ, với dự báo doanh thu năm nay đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác triệt để. Khi không gian phát triển được mở rộng hướng ra biển, kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu, du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ và tạo thêm nhiều cơ hội.

Về Bình Dương, ông Hải cho biết thành phố công nghiệp này sẽ được sắp xếp lại các khu công nghiệp hợp lý hơn. TP.HCM sẽ chỉ giữ lại các khu công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, và phần còn lại sẽ được bố trí hợp lý với Bình Dương để tận dụng không gian phát triển của vùng.

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/huong-phat-trien-khi-sap-nhap-tphcm-voi-binh-duong-ba-ria-vung-tau-post845729.html
Zalo