TP.HCM sẽ có mạng lưới đường sắt đô thị 'khổng lồ'

Dự kiến trong 10 năm tới, TP.HCM sẽ thực hiện gần 500 km đường sắt đô thị thay vì 355 km như quy hoạch trước đó.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ làm 355 km đường sắt đô thị (ĐSĐT) trong 10 năm tới, tuy nhiên sau khi sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu thì TP.HCM mới sẽ có mạng lưới ĐSĐT rộng khắp. Trong bối cảnh sáp nhập, việc mở rộng mạng lưới ĐSĐT là vô cùng cấp thiết, đây sẽ là trục giao thông “xương sống”, chiến lược, giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng cường việc sử dụng giao thông công cộng cũng như mở rộng không gian phát triển của TP. Vì vậy, ngay tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phát triển ĐSĐT, Trưởng ban Chỉ đạo - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu nghiên cứu quy hoạch hệ thống đường sắt bổ sung, mở rộng.

Ban Chỉ đạo phát triển ĐSĐT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ĐSĐT theo mô hình, tầm nhìn mới, phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính.

 Quy hoạch 10 dự án đường sắt đô thị của TP.HCM trong 10 năm tới. Ảnh: THUẬN VĂN - Đồ họa: HÀ PHƯƠNG

Quy hoạch 10 dự án đường sắt đô thị của TP.HCM trong 10 năm tới. Ảnh: THUẬN VĂN - Đồ họa: HÀ PHƯƠNG

TP.HCM sẽ làm gần 480 km ĐSĐT

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một đại diện của Phòng Quản lý ĐSĐT Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo quy hoạch trước sáp nhập, TP.HCM có 12 tuyến ĐSĐT (11 tuyến metro với chiều dài hơn 558 km và một tuyến ĐSĐT loại hình LRT/tramvay dài 48,7 km).

Quy hoạch tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến ĐSĐT với chiều dài 335 km, trong đó có sáu tuyến kết nối với TP.HCM. Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước sáp nhập có ba tuyến ĐSĐT với chiều dài 125 km, trong đó tuyến số 3 có định hướng kết nối với TP.HCM thông qua tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Ngoài ra, một hướng kết nối tiềm năng khác là thông qua tuyến đường sắt từ trung tâm TP.HCM đi huyện Cần Giờ, vượt qua vịnh Ghềnh Rái đến TP Vũng Tàu.

Vị đại diện này cho biết chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ĐSĐT theo mô hình, tầm nhìn mới, phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với TP.HCM. Bên cạnh bảy tuyến ĐSĐT được làm theo Nghị quyết 188 trong 10 năm tới sẽ có một số tuyến quan trọng như metro số 1 nối dài về Bình Dương, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến TP.HCM - Cần Giờ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận áp dụng Nghị quyết 188 của Quốc hội (QH).

Đối với tuyến ĐSĐT kết nối với TP.HCM (tuyến metro số 1 nối dài về Bình Dương), hiện tỉnh Bình Dương đang lập, trình Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hội đồng thẩm định đã họp thẩm định và đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án trình hội đồng triển khai các bước tiếp theo.

Đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM đã có báo cáo Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với Cảng hàng không quốc tế Long Thành được áp dụng Nghị quyết 188 của QH. Đồng thời giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản triển khai dự án theo Điều 30 của Luật Đầu tư công. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tuyến ĐSĐT từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị bổ sung vào danh mục dự án được áp dụng Nghị quyết 188 của QH. Hiện Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo vị đại diện, trường hợp các tuyến trên được áp dụng Nghị quyết 188 của QH, TP sẽ làm gần 480 km ĐSĐT. Cụ thể, theo Nghị quyết 188, trong 10 năm tới, TP.HCM (trước sáp nhập) gồm bảy tuyến với tổng chiều dài khoảng 355 km. Bên cạnh đó, TP sẽ triển khai tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (gần 44 km), tuyến trung tâm TP.HCM - Cần Giờ (49 km) và tuyến metro số 1 nối dài về Bình Dương (29 km).

 Khu depot Long Bình dự kiến sẽ làm depot chung cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên - TP mới Bình Dương). Ảnh: ĐÀO TRANG

Khu depot Long Bình dự kiến sẽ làm depot chung cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên - TP mới Bình Dương). Ảnh: ĐÀO TRANG

TP sẽ triển khai tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (gần 44 km), tuyến trung tâm TP.HCM - Cần Giờ (49 km) và tuyến metro số 1 nối dài về Bình Dương (29 km).

Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm

Vị đại diện này cho biết nhu cầu làm ĐSĐT là rất lớn, TP.HCM cũng xác định các trục “xương sống” cho mạng lưới ĐSĐT. Trong đó, đề án phát triển ĐSĐT theo Nghị quyết 188 của QH và kế hoạch của TP đã xác định đầu tư đồng loạt bảy tuyến từ nay đến năm 2035.

Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư gồm một số tuyến sau: Thứ nhất là tuyến metro số 2 đầu tư, khởi công ngay trong năm 2025 đối với đoạn Bến Thành - Tham Lương. Sau đó kéo dài hai đầu, phía bắc nối về Củ Chi, phía đông kết nối khu đô thị Thủ Thiêm. Metro số 2 là tuyến kết nối từ khu vực phía bắc (khu vực Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận 10…) vào trung tâm TP.HCM và mở rộng ra khu Đông TP, tạo thành trục tây bắc - đông nam.

Thứ hai là kéo dài tuyến metro số 1, phía đông kéo dài nối với TP mới Bình Dương (cũ); phía tây kéo dài đến An Hạ (Bình Chánh) tạo thành trục đông tây. Thứ ba là tuyến metro số 3, trục xuyên tâm đông bắc - tây nam, kết nối Bình Dương đến Long An (cũ) nay là Tây Ninh.

Thứ tư là với 3 trục xuyên tâm được hình thành, cần có tuyến vành khuyên hay còn gọi là vành đai để kết nối liên hoàn các trục xuyên tâm, thuận lợi cho người dân mọi hướng của TP di chuyển. Đó là tuyến số 6 (vành đai trong). Thứ năm là bổ sung các trục dọc bắc nam (tuyến số 4) và tuyến số 5 kết nối đông nam. Tuyến cuối cùng trong danh mục bảy tuyến đầu tư đến năm 2035 là tuyến vành khuyên ngoài - tuyến số 7, mở rộng không gian phát triển TP.HCM.

 Dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào cuối năm 2025. Trong ảnh: Đường Trường Chinh khu vực có tuyến metro số 2 đi qua. Ảnh: ĐÀO TRANG

Dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào cuối năm 2025. Trong ảnh: Đường Trường Chinh khu vực có tuyến metro số 2 đi qua. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư

Ông Nguyễn Thái Thành, chuyên viên Phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng, cho hay mỗi địa phương đều có quy hoạch phát triển ĐSĐT. Vì vậy, sau sáp nhập quy hoạch hệ thống ĐSĐT của TP.HCM mở rộng ra sao là vấn đề cần đánh giá. Theo ông Thành, TP.HCM cần có một bài toán tổng thể, một bộ khung nhất định cho việc đầu tư hệ thống ĐSĐT.

Trong đó, một số nguyên tắc xác định là thứ tự ưu tiên triển khai các đoạn tuyến ĐSĐT trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đầu tiên là nguyên tắc ưu tiên như kết nối với các đoạn tuyến ĐSĐT khác (hiện hữu, đang thực hiện) tạo thành mạng lưới hiệu quả. Thứ hai là dọc tuyến có nhiều quỹ đất thuộc khu vực TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) đã được các sở, ngành, địa phương rà soát, thống nhất sẽ được ưu tiên đầu tư. Thứ ba là dọc tuyến có nhiều động lực phát triển đô thị như dân cư tập trung cao, các dự án giao thông quan trọng sắp triển khai... Cuối cùng là ưu tiên các dự án dễ triển khai như thuận lợi trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng.

Theo ông Thành, TP cần xây dựng nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên triển khai các đoạn tuyến ĐSĐT trong giai đoạn từ nay đến khi hoàn thành hệ thống ĐSĐT. Khuyến khích phát triển đô thị phù hợp với tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hệ thống ĐSĐT.

Để làm đồng loạt cần có sự phối hợp, linh hoạt trong phương án đầu tư, tài chính để huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau. Đối với những đoạn đường nào phát triển đô thị, thương mại, logistics cần phương án đầu tư, phương án tài chính cụ thể... Đặc biệt, TP cần tính toán đến cơ chế nào để chủ đầu tư và cơ chế nào để người dân hưởng lợi từ sự gia tăng của giá đất. Phải huy động được nhiều nguồn lực tài chính để có thể huy động được nhiều sức mạnh tổng hợp, như vậy mới giúp TP.HCM mới phát huy nguồn lực mạnh, nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT.

Nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư

Sau khi QH ban hành Nghị quyết 188, đặc biệt Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã có nhiều nhà đầu tư khối doanh nghiệp tư nhân quan tâm, đề xuất đầu tư hệ thống đường sắt nói chung và ĐSĐT tại TP.HCM nói riêng.

Bên cạnh đó, để cụ thể hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với TP.HCM, TP Hà Nội nghiên cứu đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt vào Luật Đường sắt (sửa đổi) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư đường sắt. Hiện QH đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) trong kỳ họp vừa qua. Điều này kỳ vọng sẽ mở toang cánh cửa để đa dạng loại hình đầu tư, thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Đây cũng là cơ sở để TP.HCM có thể tận dụng nguồn lực này để hoàn thành các tuyến metro nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Theo đại diện của Phòng Quản lý ĐSĐT Sở Xây dựng TP.HCM, công việc sắp tới là rất nhiều, trách nhiệm của các đơn vị là rất lớn. Trong đó, mục tiêu khởi công tuyến số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) đã được Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo ngay từ đầu năm. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo phát triển ĐSĐT tiếp tục chỉ đạo cần tính toán ưu tiên bố trí vốn trung hạn để thực hiện dự án, đảm bảo yêu cầu tiến độ; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Nghị quyết 188 để triển khai nhanh, hiệu quả.

Trong đó, áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách chỉ định thầu các gói thầu trên đường gantt tiến độ dự án, trước mắt là các gói thầu tư vấn đảm bảo theo đúng trình tự, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch, chi phí hợp lý. Tập trung thực hiện thí điểm cho dự án tuyến metro số 2, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai cho các tuyến tiếp theo.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị định 123 quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể và cơ chế đặc thù cho một số dự án đường sắt và Nghị định 144/2025 quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Với việc phân quyền, phân cấp cho chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị đầu tư, giảm khâu thẩm định dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự toán… sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.•

Họ đã nói

TS TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98:

Nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ

Việc triển khai 355 km ĐSĐT trong 10 năm là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ. Vì vậy, tôi cho rằng cần đòi hỏi sự thay đổi từ tư duy đến phương thức tổ chức thực hiện, từ cách làm, phương pháp quản lý, tư duy thực hiện. TP không thể giữ cách làm cũ, quy trình thủ tục cũ… tất cả phải thay đổi. Với cơ chế phân quyền mạnh mẽ cho TP như hiện nay sẽ là đòn bẩy triển khai đồng bộ hệ thống ĐSĐT. Sau khi TP.HCM mở rộng cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch và xin áp dụng Nghị quyết 188 cho những tuyến mới - tuyến ĐSĐT mở rộng, như vậy mới có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

PGS-TS LÊ TRỌNG HOÀI, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM:

Cần sự kết nối đồng bộ

Khi TP.HCM mở rộng cùng với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu thì vấn đề đặt ra là cần có sự kết nối đồng bộ để giảm thiểu chi phí đi lại, tăng sự kết nối. Nghị quyết 188 là khung chung để hiện thực hóa khát vọng lớn. Tuy nhiên, tiền từ đâu, làm thế nào… thì phải có lộ trình rất cụ thể, không thể nóng vội. TP cần có kế hoạch hợp lý, kỹ lưỡng và có sự đánh giá của nhiều chuyên gia về các phương án thực hiện, trong đó có mô hình phát triển TOD. Mô hình TOD không chỉ giúp phát huy hiệu quả trong việc đầu tư ĐSĐT mà còn tạo nguồn lực tài chính thông qua quỹ đất.

TSKH NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị:

Tận dụng mô hình TOD

Sau sáp nhập, cần có các tuyến ĐSĐT đi xuyên suốt TP.HCM mở rộng. Trong đó cần chú ý đến tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành nhằm tạo ra hệ thống giao thông công cộng, thuận tiện cho người dân đi lại.

Nghị quyết 188 mở ra cánh cửa để kéo dài các tuyến ĐSĐT thông qua mô hình TOD, vừa chỉnh trang vừa phát triển đô thị. Điều đáng nói là TP cần có chính sách huy động nguồn lực để đẩy nhanh các dự án này, tận dụng hiệu quả mô hình TOD. Từ đó, tái đầu tư ổn định cho hệ thống ĐSĐT.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-co-mang-luoi-duong-sat-do-thi-khong-lo-post858481.html
Zalo