Tỉnh Gia Lai (mới) giao chỉ tiêu phát triển kinh tế cho từng xã
Sau khi sáp nhập, tỉnh Gia Lai (mới) xác định cấp xã là nền tảng trong triển khai các mục tiêu phát triển. Tỉnh này nhanh chóng giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng xã, phường, trước mắt thực hiện 58 xã, phường thuộc khu vực tỉnh Bình Định (cũ) và sẽ mở rộng toàn tỉnh Gia Lai (mới).
Xã Phù Mỹ Đông, tỉnh Gia Lai (mới) gồm các xã Mỹ Thọ, Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định (cũ). Đây là xã ven biển có vị trí chiến lược, giữ vai trò trọng điểm trong phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh hướng biển. Xã Phù Mỹ Đông được định hướng phát triển các ngành công nghiệp tổng hợp, dịch vụ cảng biển, logistics, năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác thủy sản, du lịch sinh thái, hướng đến trở thành trung tâm kinh tế ven biển của tỉnh.

Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai - Ảnh: Dũng Nhân
Trong 6 tháng cuối năm 2025, xã Phù Mỹ Đông đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm đạt khoảng 6,4%; Tổng thu ngân sách khoảng 7 tỷ đồng, phấn đấu tăng thêm từ các nguồn thu mới như kinh tế biển, dịch vụ và du lịch.
Ông Trần Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Phù Mỹ Đông, tỉnh Gia Lai (mới) cho biết, địa phương đã phân công cụ thể cho từng phòng, ban, cán bộ phụ trách các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời rút ngắn triệt để thời gian giải quyết công việc, thủ tục hành chính. Lãnh đạo các phòng, ban thuộc UBND xã phải trực tiếp xử lý các việc lớn, việc khó trong ngày, không để tồn đọng.
“Lĩnh vực công nghiệp đang được xã triển khai quyết liệt, với trung tâm đào tạo hiện nay đã thông qua quy hoạch 1/500 và đang triển khai các bước tiếp theo để nhà đầu tư vào, cuối năm nay có thể khởi công. Tại Khu Công nghiệp Phù Mỹ, xã đang phối hợp với các Sở, ngành liên quan, rà soát đến đền bù các bước tiếp theo. Dự kiến ngày 19/8 có thể khởi công được khu công nghiệp này là dự án rất lớn", ông Phúc cho hay.

Tỉnh Gia Lai (mới) giao chỉ tiêu kinh tế cho các, phường trên địa bàn tỉnh Bình Định (cũ)
Tỉnh Gia Lai (mới) trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định (cũ) hiện có 135 đơn vị hành chính cấp xã. Không gian phát triển mở rộng tạo ra cơ hội bứt phá nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Gia Lai (mới) đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,2% - 7,7%.
Trước mắt, UBND tỉnh Gia Lai (mới) đã giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ trọng tâm cho 58 xã, phường khu vực Bình Định (cũ), sau đó tiếp tục triển khai 77 xã, phường còn lại thuộc khu vực tỉnh Gia Lai (cũ) trong tháng 7 này. Các sở, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể hóa các định hướng lớn thành các chương trình, đề án sát với thực tiễn.
“Gia Lai khẩn trương hoàn thành đề án phát triển kinh tế tư nhân tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2035 với các cơ chế, chính sách, nội dung hỗ trợ thật sự thiết thực và động lực đối với doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho 80 nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới đang hoàn thành đi vào hoạt động năm 2024, khoảng 100 dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào sản xuất năm 2025, tạo ra giá trị hiện có đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên theo dõi nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”, ông Dương Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai (mới) cho biết.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (mới) đề nghị, UBND tỉnh sớm hoàn tất quy hoạch tổng thể. Trên cơ sở quy hoạch của 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định (cũ), thuê chuyên gia tổng hợp lại có một quy hoạch tổng thể. Muốn làm gì phải bắt đầu từ quy hoạch, quy hoạch tỉnh Gia Lai (mới) phải mang tầm chiến lược, dài hạn, khoa học, khả thi, làm sao khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh khi mở rộng không gian phát triển, đảm bảo đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực, vùng miền kết nối.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (mới) cũng yêu cầu rà soát quy trình hành chính trong toàn hệ thống chính quyền hai cấp, tiếp tục phân cấp mạnh cho các địa phương, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, các sở ngành cần chủ động đề xuất cơ chế, chính sách mới, phù hợp thực tiễn và các chủ trương, chính sách của Trung ương để tạo đột phá phát triển. Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu các ngành khẩn trương tháo gỡ dứt điểm các dự án vướng mắc, kể cả đầu tư công và khu vực ngoài nhà nước.
“Hai tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và đường sắt tốc độ cao đi qua địa bàn là phép thử đầu tiên cho lãnh đạo các xã, phường. Lãnh đạo địa phương không làm được việc giải phóng mặt bằng cho các dự án động lực này hãy tự nguyện xin chuyển chỗ khác, bởi khi làm việc phải có sản phẩm, phân rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm. Cán bộ phải qua thử thách, từ những việc lớn cho đến những việc nhỏ ở những vùng động lực của tỉnh", ông Dũng nêu rõ.